Monday 8 October 2012

Nguyên Ngọc Vẫn trên đường xa (2)

Hôm trước đã viết mấy dòng nhân quyển sách mới ra Nguyên Ngọc Vẫn trên đường xa, có đề cập đến bài của Phạm Vĩnh Cư, thì nay đã thấy có bài đăng trên mạng, nên đưa luôn về đây cho tiộn theo dõi.
,

Mấy kỷ niệm khó quên với một chân nhân

(Trái hay Phải)-Tôi có cảm giác khi nói thế, anh nghĩ đến cả cái hành trang còn cần được bổ sung nhiều của mình, và điều khiến tôi thêm mến phục anh là trong những năm sau đấy, anh đã tự trang bị cho mình ngày càng nhiều kiến thức mới, nhận thức mới.
                                           
Lần đầu tiên tôi gặp anh Nguyên Ngọc vào mùa đông cuối năm 1957 ở Moskva. Cùng với bốn thành viên khác trong đoàn nhà văn Việt Nam sang thăm Liên Xô anh đến với chúng tôi – một trăm thiếu nhi Việt Nam có hạnh phúc được sống và học tập ở trung tâm của thành trì cách mạng thế giới và hòa bình thế giới.
Hồi ấy tôi đã mười lăm tuổi, đã thông thạo tiếng Nga và đang mê say với những “Evgeni Onegin”, “Một nhân vật anh hùng của thời đại chúng ta”, “Những linh hồn chết”, “Chiến tranh và hòa bình”…
Theo dõi thời sự văn học trong nước, tôi không thể không để ý đến tiểu thuyết “Đất nước đứng lên” của nhà văn trẻ Nguyên Ngọc đang được dư luận chúng khẩu đồng từ khen ngợi. Và cuốn sách ấy cùng với một số tác phẩm mới đang gây tiếng vang trong nước đã sớm đến tay chúng tôi.
Tôi nhớ ấn tượng đầu tiên sau khi đọc xong nó (cái này sẽ lặp lại nhiều lần trong cuộc đời độc giả của tôi): tốt đấy (nhất là hành văn) nhưng còn xa mới được như tôi chờ đợi. Có cái gì đó giản đơn, lạc quan đến nhẹ dạ, suy luận một chiều thẳng tuột, khác quá đi với những trải nghiệm về cuộc sống chưa phong phú nhưng đã sắc nét nơi tôi.
Cái cuộc sống ấy, trải ra trước mắt tôi ngay ở cái thiên đường xã hội chủ nghĩa này – chao ôi, sao nó phức tạp, rối rắm, đầy mâu thuẫn nội tại, những con người xung quanh và bản thân tôi sao bất toàn khó sửa chữa đến tệ hại.
Từ đó mà tôi thấy thật khó tin tưởng sắt đá vào tương lai một màu xán lạn của dân tộc, nhân loại và từng cá nhân con người mà sách báo và nhà trường dạy chúng tôi tin. Đọc văn học nước ngoài, cổ điển cũng như hiện đại, tôi thấy các tác giả lớn đều củng cố và khơi sâu trong tôi một nhận thức như vậy về nhân thế.
Thành thử tôi không thể thỏa mãn với “Đất nước đứng lên” cũng như “Vùng mỏ”, “Con trâu”, “Truyện anh Lục”… cũng dạy bảo tôi rằng chỉ cần đánh đuổi giặc ngoại xâm và xóa bỏ các giai cấp bóc lột tức thì nước Việt Nam ta sẽ trở nên hùng mạnh, người Việt ta sẽ được ấm no, hạnh phúc đời đời.