Tuesday 22 May 2018

HỒI KÝ TỐNG VĂN CÔNG (34)

Từ theo cộng đến chống cộng (34): Gặp ba nhà văn bị vùi dập

Tôi gặp nhà văn Hà Minh Tuân ngay sau khi ông bị lâm nạn năm 1962. Bạn tôi, anh Trần Dũng Tiến nguyên là cảm tử quân Hà Nội năm 1946, phụ trách công tác tuyên truyền thi đua của nhà máy gỗ Hà Nội ở bến Chương Dương, gần bãi sông Hồng. Tôi đến nhà máy gặp anh Tiến tìm tài liệu viết báo và nhân đó xin mua gỗ vụn làm củi đun bếp. Anh Tiến cho biết, ông Hà Minh Tuân vừa bị cách chức giám đốc Nhà xuất bản Văn học, đang lao động cải tạo ở đây. Công việc của ông là khuân gỗ dưới bến sông Hồng xếp lên xe hai bánh, kéo xe về, xếp gỗ vào kho nhà máy. Lúc giải lao giữa ca, anh Tiến mời ông vào văn phòng uống nước, trò chuyện với chúng tôi. Ông hơn tôi một giáp, hoạt động cách mạng từ năm 1943, tham gia Khởi nghĩa Tháng tám ở Hà Nội, rồi vào bộ đội lên đến chính ủy trung đoàn, sau tiếp quản Hà Nội được bổ nhiệm làm giám đốc đầu tiên của Nhà Xuất bản Văn học. Nếu ông cứ chuyên tâm vào việc “gác cổng chính trị” như các vị giám đốc khác thì hẳn đã leo lên cấp vụ, cấp bộ rồi, hoặc ít nhất cũng được yên vị tới lúc hưởng lương hưu. Nhưng do có máu mê văn chương, năm 1957 ông viết quyển “Trong lòng Hà Nội”, năm 1960 ông viết “Giữa hai trận tuyến”. Cả hai tác phẩm đều được đánh giá “đã đóng góp xuất sắc cho nền văn học xã hội chủ nghĩa”. Ông hăm hở viết một tác phẩm không né tránh, không bóp méo hiện thực, từng trang nóng bỏng hơi thở cuộc sống, có tựa đề “Vào Đời”, một bài học cho lớp trẻ trong giai đoạn mới. Quyển sách vừa xuất bản thì lập tức bị “ăn đòn hội chợ” của các nhà phê bình nhân danh “chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa”. Số bài phê bình tốn giấy mực hàng chục lần quyển sách 200 trang của ông.

HỒI KÝ TỐNG VĂN CÔNG (33)

Từ theo cộng đến chống cộng (33): Khiếu nại là phụ lòng tập thể chi bộ

Năm 1967 tôi làm phóng viên thường trú của báo Lao Động ở vùng than Quảng Ninh. Liên hiệp Công đoàn Quảng Ninh do ông Lê Bùi làm chủ tịch sắp xếp cho tôi ăn ở cạnh cơ quan trong một hốc núi vùng Khe Hùm, hằng ngày đi lại bằng xe đạp đến các mỏ than sưu tầm tài liệu.
Từ theo cộng đến chống cộng - Hồi ký Tống văn Công
Từ theo cộng đến chống cộng – Hồi ký Tống văn Công

Monday 21 May 2018

HỒI KÝ TỐNG VĂN CÔNG (32)

Từ theo cộng đến chống cộng (32): Viết ký sự anh hùng lao động

Trong chế độ xã hội chủ nghĩa chỉ còn hai thành phần kinh tế là hợp tác xã và quốc dân, cho nên không có cạnh tranh thúc đẩy sản xuất phát triển. Sau Cách mạng tháng Mười, Lênin đề ra phong trào thi đua xã hội chủ nghĩa nhằm thay thế cho cạnh tranh. Ở Việt Nam, Hồ Chí Minh vận dụng có “sáng tạo” bài học đó với tên mới thi đua yêu nước. Có điều, cạnh tranh là nỗ lực của từng xí nghiệp, ngành hàng, không có sự lãnh đạo của một tổ chức chính trị, không có phong trào, chọn và bồi dưỡng điển hình, không có bình bầu các danh hiệu chiến sĩ, anh hùng. Có lẽ vì sự khác nhau đó mà không ai đánh giá tác dụng của thi đua giống như Karl Marx đánh giá cạnh tranh: “Đối với lao động, cạnh tranh có ý nghĩa trọng yếu như phân công vậy. Nó cần thiết cho việc thiết lập sự bình đẳng.” (Sự khốn cùng của triết học)
Từ theo cộng đến chống cộng - Hồi ký Tống văn Công
Từ theo cộng đến chống cộng – Hồi ký Tống văn Công
Ở nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa cứ 5 năm tổ chức một kỳ Đại hội anh hùng chiến sĩ thi đua. Năm 1966 Đại hội lần thứ tư mang tên đại hội anh hùng, chiến sĩ thi đua chống Mỹ cứu nước. Tên gọi đã nói lên mục đích phục vụ cho cuộc chiến đang ở thời điểm quyết liệt nhất. Báo cáo của đại hội do phó thủ tướng Lê Thanh Nghị trình bày có câu: “Dân tộc anh hùng, thời đại anh hùng, tất nhiên sản sinh ra nhiều người con anh hùng.”

HỒI KÝ TỐNG VĂN CÔNG (31)

Từ theo cộng đến chống cộng (31): Bài viết theo chỉ thị của thủ tướng

Sau giải phóng miền Bắc, sản xuất nông nghiệp có phát triển đôi chút, nhưng sau khi hoàn thành hợp tác hóa thì năng suất lúa sa sút dần. Đảng không ngừng khuyến khích phong trào nông dân “Mỗi người làm việc bằng hai, vì miền Nam ruột thịt” và “Tăng cường liên minh công nông, tích cực phục vụ nông nghiệp”. Nhưng ở đâu cũng nghe câu ca dao mới “Mỗi người làm việc bằng hai. Để cho chủ nhiệm mua đài sắm xe. Mỗi người làm việc bằng ba. Để cho chủ nhiệm xây nhà xây sân” nói lên nỗi bất bình trước nạn tham nhũng. Và câu tục ngữ mới: “Ăn cơm trước kẻng” là sự phản ứng của nông dân bỏ bê việc hợp tác xã để có thì giờ chăm chút mảnh đất 5 % của riêng mình. Trong hội nghị tổng kết tình hình sản xuất nông nghiệp miền Bắc, thủ tướng Phạm Văn Đồng đọc lá thư của lá cờ đầu phong trào hợp tác xã nông nghiệp tỉnh Hà Tây tố cáo một đội xe thuộc công ty vận tải hàng hóa Hà Nội, do không được “bồi dưỡng” đã từ chối chở phân vào tận kho. Dù hợp tác xã tha thiết yêu cầu, họ vẫn cứ đổ phân ngoài đường cách kho chứa phân hơn 200m. Giữa lúc thiếu nhân công mà hợp tác xã phải cắt ra 200 người chuyển phần vào kho! Đọc xong lá thư, ông thủ tướng gằn giọng từng lời đanh thép cho rằng, những việc như vậy không thể để tiếp tục xảy ra trong giai cấp công nhân, làm xấu đi quan hệ liên minh công nông.

HỒI KÝ TỐNG VĂN CÔNG (30)

Từ theo cộng đến chống cộng (30): Con trăn thần

Trong mục “Hoa nở khắp nơi” trên báo Lao Động giữa năm 1963, thông tín viên Tất Biểu ở nhà máy bơm Hải Dương đưa tin: Anh Lê Văn Hạng công nhân nhà máy bơm Hải Dương, trong khi đi nghỉ phép đến miền Tây Nghệ An đã bắn hạ một con trăn lớn chưa từng thấy. Tin này được nhiều bạn đọc gửi thư hỏi thêm chi tiết. Tòa soạn liền cử anh Trần Thanh Bình phóng viên thường trú vùng này tới gặp Lê Văn Hạng. Nghe anh này thuật lại câu chuyện quá hấp dẫn, anh Bình gợi ý anh Tất Biểu viết lại từ mẩu tin ngắn thành một bài ký sự dài đăng nguyên một trang báo. Anh Tất Biểu viết bài có tựa đề “Con trăn thần”. Bài viết kể: Trước khi anh Hạng tới đây, nhân dân vô cùng hoảng sợ, bởi con trăn đã bắt đi hai con bò, hai cháu bé. Khi anh Hạng tìm gặp được nó, con trăn vùng dậy, cất đầu lên cao quá các ngọn cây cổ thụ, mồm phun phì phì, nước bọt tuôn xuống như mưa. Anh Hạng phải luồn lách lựa thế để nã đạn đúng vào mồm con trăn liên tục 16 phát, nó mới ngã vật ra làm gãy bao nhiêu cây cối. Dân làng được tin đưa hai con trâu cổ tới giúp anh Hạng kéo con trăn về làng. Người ta đo con trăn dài gần 30m, thân nó to bằng cái vành bánh xe đạp. Họa sĩ Minh Tần minh họa trông giống như cảnh Thạch Sanh chém chằn tinh.

Sunday 20 May 2018

HỒI KÝ TỐNG VĂN CÔNG (29)


Từ theo cộng đến chống cộng (29): Con đường dẫn tới ghế tổng biên tập


Những năm làm phóng viên báo Lao Động tôi viết nhiều phóng sự tốn rất nhiều thời gian và nguy hiểm tính mạng như loạt bài “Lũy thép trên sông” viết về cầu Hàm Rồng. Khi tôi đứng trên cầu hỏi chuyện mấy anh thợ hàn thành cầu thì máy bay Mỹ xoẹt qua ném một loạt bom. May cho tôi, bom không trúng cầu mà nổ dưới lòng sông. Vậy mà loạt bài này chỉ được nhận xét là tốt, nhưng không được giải thưởng. Bài báo được ban chấm giải báo chí quốc gia lần đầu tiên của miền Bắc trao giải nhì, tôi bỏ ra rất ít công sức.
Từ theo cộng đến chống cộng - Hồi ký Tống văn Công
Từ theo cộng đến chống cộng – Hồi ký Tống văn Công
Trong một lần được vào viết về anh Nguyễn Văn Mộc, chiến sĩ thi đua ở Xưởng Săm lốp Ô tô Hà Nội, tôi đã đến thăm gia đình anh, rất cám cảnh khi biết vợ anh bị mù. Trong bài viết lần đó, Chuyện Người Vợ Mù chỉ là để làm nổi bật thêm cái khó khăn mà người chiến sĩ thi đua Nguyễn Văn Mộc phải vượt qua. Ngày 29-4-1961 tòa soạn lên trang báo kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động. Ở các nước trong phe xã hội chủ nghĩa đều coi ngày 1 tháng 5 là một trong những ngày lễ quan trọng, bởi là dịp biểu dương và khẳng định vai trò của giai cấp công nhân lãnh đạo cách mạng. Báo Lao Động phải nỗ lực sao cho xứng tầm là tiếng nói của giai cấp công nhân. Phó tổng biên tập Ngô Tùng phát hiện: thiếu một bài viết ca ngợi sự đổi đời của giai cấp công nhân sau khi giải phóng miền Bắc. Trưởng ban tuyên truyền đời sống công nhân Trần Bá Đa bị “gõ” vì thiếu sót này. Ông hốt hoảng gọi tôi: “Cậu cấp tốc giải nguy được không?” Tôi ngồi vào bàn, hoàn thành bài “Tôi thấy rất rõ” chỉ trong vòng một giờ.

Thursday 17 May 2018

HỒI KÝ TỐNG VĂN CÔNG 28)

Từ theo cộng đến chống cộng (28): Chủ tịch Đảng Trung Chính Việt Nam

Trong số anh em cùng vào làm báo Lao Động tháng Một năm 1960 với tôi có anh Phạm Duy Từ học sinh trung học ở Khánh Hòa tập kết ra Bắc theo diện con em cán bộ (có anh là trung đoàn trưởng bộ đội Liên khu 5). Duy Từ được học đại học ở Bắc Kinh, rồi tu nghiệp ở Liên Xô, về nước làm phiên dịch cho chuyên gia Trung Quốc ở công trường xây dựng nhà máy phân đạm Bắc Giang. Anh viết bài về công trường này gửi cho báo Lao Động, được lãnh đạo của báo công nhận là cộng tác viên đắc lực suốt nhiều năm. Anh không chỉ viết bài rất hay mà còn vẽ biếm họa được bạn đọc yêu thích và thường góp ý đổi mới cách trình bày trang báo. Ở thời quan hệ Việt-Trung như môi với răng, thì một người thông thạo ngôn ngữ của Mao chủ tịch và cả Lênin là vô cùng sáng giá. Được một người như vậy về tòa báo, ban biên tập rất mừng, bố trí anh vào ban thư ký tòa soạn làm việc bên cạnh ông Ngô Tùng phó tổng biên tập kiêm trưởng ban thư ký tòa soạn. Nơi ở của anh Từ cũng được sắp xếp ưu tiên. Chúng tôi bốn người ở cùng trong một phòng tập thể 20 mét vuông. Duy Từ được ở riêng một phòng 10 mét vuông. Người ta giải thích sự ưu tiên đó là do đã không câu nệ về bậc lương mà chiếu cố một người ham học hỏi đã có số sách chiếm gần một nửa gian phòng.

HỒI KÝ TỐNG VĂN CÔNG 27)

Từ theo cộng đến chống cộng (27): Học làm báo cách mạng

Tôi được phân công làm phóng viên của ban tuyên truyền về đời sống công nhân, gọi tắt là ban đời sống do anh Trần Bá Đa phó tổng biên tập làm trưởng ban. Năm 1945, anh Trần Bá Đa đậu tú tài toàn phần, bỏ học tham gia cách mạng. Sau ngày toàn quốc kháng chiến, anh theo cơ quan rút ra vùng giải phóng, lấy vợ, sinh một con. Sau đó, Đảng lại phân công anh trở vào Hà Nội hoạt động. Anh trú ngụ ở một gia đình là “cơ sở cách mạng”. Gia đình này có cô con gái lớn. Anh chị thầm lén với nhau, chị có bầu, gia đình tổ chức cho họ cưới nhau. Sau ngày giải phóng Hà Nội, hai bà vợ tranh chấp một ông chồng, phải đưa ra tòa. Anh nói mình không thể ly hôn người nào cả, mình noi gương đồng chí Lê Duẩn. Vậy là phải xin tòa phân xử. Tòa ra quyết định: từ trưa thứ hai đến sáng thứ bẩy anh ở với bà vợ cả; từ chiều thứ bảy đến sáng thứ hai anh ở với bà vợ hai; tiền lương của anh chia đôi, mỗi bà một nửa. Sau khi thân nhau, anh thổ lộ: “Nghe qua bản án tòa xử, không ai hình dung được những ‘khổ sở’ của mình khi thực hiện. Làm sao cơ thể con người khỏi bị ‘phong vũ bất kỳ’, suốt cả tuần ở với bà cả, đến chiều thứ bẩy mới về với bà hai thì bị cảm sốt, nhức đầu. Chẳng lẽ người ta chờ đợi suốt cả tuần mà mình không cố gắng ‘hoàn thành nhiệm vụ’ trước khi lại ra đi!” Do một suất lương chia cho hai bà vợ nên lúc nào anh cũng túng thiếu. Các cơ quan đều quen với tình ảnh ông phó tổng biên tập chia tay với các đồng nghiệp nghiện thuốc lá: “Mày cho tao xin một điếu!” Tôi không hút thuốc nên không có cơ hội giúp anh.

HỒI KÝ TỐNG VĂN CÔNG (26)

Từ theo cộng đến chống cộng (26): Suốt đời không thể sửa sai!

Tôi vào báo Lao Động thì anh Nguyễn Anh Tài đang làm phóng viên thường trú ở khu 4 (Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh). Anh vừa tốt nghiệp trường kỹ nghệ thì Cách Mạng Tháng Tám, rồi kháng chiến chống Pháp. Anh vào làm ở binh công xưởng. Một lần anh trộn thuốc bị nổ, gãy xương cánh tay và mù một mắt. Anh vào nghề viết lách bằng bài thơ ‘Con đường Lâm’, ca ngợi một anh hùng hy sinh thời chống Pháp, tên được đặt trong một con đường ở thị xã Quảng Bình. Anh lấy vợ là một ca sỹ trong đội đồng ca đoàn Văn công Tổng cục Chính trị Quân đội. Anh hay kể với giọng tự hào về cô vợ xuất thân bần nông của mình: “Cô ấy kể từ năm lên tám đã khéo léo tự leo lên lưng con trâu cổ.” Những lúc như vậy, anh tỏ ra là một đảng viên thấm nhuần lập trường giai cấp của đảng Cộng sản. Khi thân nhau, không ít lần tôi được anh thổ lộ nỗi khổ về sự thô bạo “dùi đục chấm mắm cáy” của cô vợ bần nông. Sau đó anh kể về mối tình đầu đẹp đẽ nhưng trái ngang của mình với một chị tên Hương. Từ năm 1969 tôi chuyển nhà từ nơi cùng khu phố với anh ở quận Hoàn Kiếm về quận Đống Đa. Vậy mà khi có chuyện không vui với vợ, ngay dưới nắng hè cháy da anh vẫn đạp xe đạp tới nhà tôi để tâm sự. Tôi phải nghe đi nghe lại không biết là lần thứ mấy câu chuyện cũ mà vì thương bạn, tôi cứ tỏ ra chăm chú lắng tai như mới được nghe lần đầu!

Sunday 13 May 2018

HỒI KÝ TỐNG VĂN CÔNG (25)

Từ theo cộng đến chống cộng (25): Người có lý lịch rất xấu và bị nhiễm dân chủ tư sản

Từ vụ việc kể trên, tôi tò mò tìm hiểu về anh Hoàng Nghinh.
Anh hơn tuổi tôi đúng một giáp, lúc ấy vừa tròn 40, nhưng đầu tóc bạc phơ như ông lão 80. Những người quen biết anh nói ông ấy lo nghĩ còn hơn cả Ngủ Tử Tư (nhân vật trong tiểu thuyết Đông Châu Liệt Quốc sau một đêm suy nghĩ không ngủ được, toàn bộ râu tóc biến thành trắng xoá).

Thursday 10 May 2018

HỒI KÝ TỐNG VĂN CÔNG (24)

Từ theo cộng đến chống cộng (24): Truyện ngắn “Dũng” đưa tôi vào nghề báo

Tôi đến xin việc ở vài tờ báo. Người ta tiếp tôi rất lạnh nhạt, bảo trước hết hãy viết bài gửi cho báo cho đến bao giờ ban biên tập thấy có khả năng sẽ gửi giấy gọi. Đầu năm 1958 báo Thống Nhất tổ chức cuộc thi viết về đề tài miền Nam. Tôi viết truyện ngắn “Dũng” gửi dự thi có ý để tìm việc làm ở ngành viết lách. Đây là chuyện viết theo luận đề minh họa lý thuyết của đảng Cộng sản “có áp bức thì có đấu tranh”. Nhân vật chính trong truyện Dũng một bé gái tên Nhu tính nhút nhát, không dám nhìn thấy máu, dù là máu của con gà, con ếch, nhưng trước sự đe dọa tính mạng của cha mình, em vụt trở nên dũng cảm. Năm 1959 công bố giải ở Câu lạc bộ Thống Nhất. Cụ Tôn Đức Thắng đến dự và trao giải.

HỒI KÝ TỐNG VĂN CÔNG (23)

Từ theo cộng đến chống cộng (23): Làm thơ cải cách ruộng đất

Cải cách ruộng đất ở miền Bắc
Cải cách ruộng đất ở miền Bắc
Năm 1956, sau khi sắp xếp lại tổ chức xong, các đơn vị bộ đội miền Nam bắt đầu học chỉnh huấn về cải cách ruộng đất. Các chính trị viên giảng về lý luận của cuộc cách mạng “phản phong”, xóa bỏ hình thức bóc lột của địa chủ, phú nông ở nông thôn. Sau đó, “cốt cán chuỗi rễ” là những bần cố nông có thành tích đấu tố xuất sắc trong cải cách ruộng đất ở địa phương đến kể chuyện thực tế. Hồi này chưa phát hiện những sai lầm ghê gớm trong cải cách ruộng đất, chưa có từ “tố điêu” nói về những bịa đặt của bần cố nông cố gắng làm vừa lòng cán bộ đội cải cách. Tôi chỉ có thắc mắc: “Vì sao mà địa chủ ở miền Bắc ác hơn hẳn địa chủ ở miền Nam?” Các chính trị viên giải thích: “Vì địa chủ miền Bắc nghèo hơn nên cố vơ vét!” Từ các buổi nghe kể chuyện thực tế, tôi viết bài thơ “Chị Cả” đăng lên báo tường của đại đội và gửi một bản lên báo Quân đội Nhân dân. Không ngờ bài thơ này được vào chung khảo cuộc thi của Ủy ban cải cách ruộng đất và được in trong tập mang tên “Đường Làng” tên bài thơ của Phác Văn. Tập thơ gồm những tác giả: Thanh Tịnh, Nguyễn Bao, Nguyễn Viết Lãm, Phác Văn, Hải Như, Hữu Thọ, Nguyễn Bùi Vợi, Quang Huy, Vượng. Dưới tên tôi, được chua thêm hai chữ “bộ đội”.
Sau này tôi mới biết, địa chủ miền Bắc cũng giống như địa chủ miền Nam, họ là những người có trí, có học, tổ chức công việc giỏi giang nên trở nên giàu có. Hầu hết họ đã đóng góp lớn cho Tuần Lễ Vàng, đã tham gia kháng chiến. Người địa chủ lớn tiêu biểu là bà Nguyễn Thị Năm đã bị đấu tố, giết hại thê thảm. Ngoài ra còn rất nhiều địa chủ miền Bắc lâm cảnh như thế. Bố anh Hữu Tính trưởng văn phòng miền Nam báo Lao Động tham gia cách mạng từ năm 1945, làm chủ nhiệm Ủy ban Mặt trận Việt Minh huyện, có con gái là bí thư đảng ủy các cơ quan trung ương, con rể là thư ký phó chủ tịch Tôn Đức Thắng, đã bị đấu tố là một tên địa chủ chui vào hàng ngũ cách mạng, phải xử bắn! Anh Ngọc Liên, trưởng ban Bảo hộ Lao động của Tổng Liên đoàn Lao động thời ấy cũng bị đấu tố là địa chủ phản động, bị bắt giam, bỏ đói suýt chết.
Vào làm phóng viên báo Lao Động ngày 1 tháng 1 năm 1960, sau “sửa sai cải cách ruộng đất” đã 3 năm, tôi mới được biết bài thơ của mình được vào chung khảo một cuộc thi và in chung với nhiều tác giả đã nổi tiếng. Nhưng lúc ấy tôi không thấy vui mà cảm thấy xấu hổ vì đã được đọc bài thơ “Em bé lên sáu tuổi” của Hoàng Cầm cũng được viết khoảng thời gian đó, có những câu:
Chị bần nông cốt cán,
Ứa nước mắt quay đi:
Nó là con địa chủ,
Bé bỏng đã biết gì.
Hôm em cho bác cháo,
Chịu ba ngày hỏi truy,
Chi đội bỗng lùi lại,
Nhìn đứa bé mồ coi,
Cố tìm vết thù địch,
Chỉ thấy một con người!
Cùng trải qua một tình huống tương tự mà tôi cố viết theo ý đồ tuyên truyền, không có cảm xúc nhân văn như ông! Tiểu đội tôi đóng quân trong ngôi nhà của địa chủ nay cấp cho gia đình cố nông. Gia đình địa chủ bị dồn vô dãy nhà sau trước kia dành cho người làm, người ở. Một hôm chúng tôi đang ăn cơm thì bé gái con địa chủ đứng ngoài cửa sổ nhìn vào với vẻ thèm thuồng. Cảm thấy tội nghiệp, tôi xúc cho nó bát cơm đưa qua cửa sổ. Vì chuyện này tôi bị phê phán “mất lập trường giai cấp”. Sau khi học chỉnh huấn cách mạng ruộng đất, chi bộ xóa tên tôi khỏi danh sách “quần chúng cảm tình Đảng chuẩn bị kết nạp”. Cũng trong thời gian này Huỳnh Dư Khải ghé thăm tôi, báo tin buồn. Ra Bắc, Khải đã là thiếu úy, chi ủy viên của chi bộ đại đội trong Tiểu đoàn 308 nổi tiếng (chỉ đứng sau tiểu đoàn 307). Cấp trên cho biết với lý lịch vào bộ đội từ lúc 15 tuổi, “chiến công đầy mình”, nếu lãnh đạo cuộc chỉnh huấn đại đội đạt kết quả tốt, Khải sẽ được đề bạt vượt cấp. Khải đã trung thực khai cha mình là địa chủ, Hương cả Quỳnh Dư Khiêm đứng đầu Ban Hội tề. Khải sống với bác ruột là ông hội đồng Huỳnh Dư Thuần để gần trường học. Sao chỉnh huấn, cấp trên bảo Khải “từ trong trứng của giai cấp bóc lột, cần phải thử thách cải tạo nhiều hơn nữa”. Anh được đưa vào danh sách giảm quân giống như tôi, nhưng anh không thể chịu cam phận như tôi, bởi đã từng là một người hùng. Khải kể: “Tao đã xé giấy giới thiệu đảng viên vứt vô mặt thằng bí thư. Tao sẽ mua chiếc xe ba gác để chở hàng thuê và làm giường ngủ. Khi nào mày về Hà Nội thì kiếm tao ở chợ Hàng Da.”
Sau tháng Tư năm 1975, Huỳnh Dư Khải về quê. Cả làng An Bình Tây vô cùng ngạc nhiên khi thấy anh chiến sĩ Vệ Quốc Đoàn từ năm 1947 nay chỉ là một anh bạch đinh, đi làm thuê kiếm sống.

HỒI KÝ TỐNG VĂN CÔNG (22)

Từ theo cộng đến chống cộng (22): Bác Hai lại nói về đảng Cộng sản và đảng Dân chủ

Ngày chủ nhật, tôi thường từ Cầu Diễn đi bộ ra Cầu Giấy rồi lên tàu điện ra Hà Nội đi mua sách báo. Do không có nhiều tiền, tôi vào hiệu sách báo xem vài tờ báo rồi mua một quyển sách, sau đó tới cửa hàng sách báo khác, cũng lặp lại như thế. Tôi đã đọc theo cách đó tất cả các số báo Trăm HoaNhân văn Giai phẩm mà không phải bỏ tiền mua. Một hôm, vừa rời nhà sách bước ra đường thì tôi gặp bác Hai Trần Trung Trực, nguyên Phó Ty Giáo dục Bến Tre thời chống Pháp. Thấy tôi mặc quân phục bác rất vui: “Tao không ngờ ốm yếu như mày mà vẫn còn ở bộ đội. Mấy thằng con tao chuyển ngành hết rồi!”. Bác đâu ngờ tôi chỉ là chú lính gánh gạch, trộn vữa, học xây nhà! Bác đưa tôi đến Ty Giáo dục Hà Nội cơ quan của bác hiện nay, để bác cháu tâm tình. Bác nói bác đang làm bí thư chi bộ, tôi hỏi: “Là bí thư chi bộ đảng Dân Chủ hả bác Hai?”

HỒI KÝ TỐNG VĂN CÔNG (21)

Từ theo cộng đến chống cộng (21): Giơ hai ngón tay hẹn hai năm gặp lại!

Sau khi Hiệp định Geneve được ký kết, tất cả các cơ quan quân, dân, chính, đảng đều tổ chức học tập về “thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Pháp, đánh đổ chủ nghĩa thực dân cũ cho toàn nhân loại”. Tôi được học tập ở đại đội thông tin liên lạc của Bộ Tư lệnh Phân Liên khu miền Tây Nam bộ. Sau đó chuẩn bị tập kết ra Bắc để rèn luyện quân đội lên chính quy, hiện đại, làm hậu thuẫn cho cuộc đấu tranh đòi hiệp thương tổng tuyển cử, thống nhất đất nước năm 1957 theo Hiệp Định. Cuộc học tập của cơ quan cha tôi (tạp chí Tân Trung Hoa, thuộc Hội Việt-Hoa Hữu Nam bộ) có nhiều trí thức từ Sài Gòn ra dự. Điều rắc rối cho cha tôi là ông cứ khăng khăng cho rằng không thể thực hiện được việc tổng tuyển cử thống nhất nước nhà vào năm 1957. Ông lập luận các hiệp định được ký kết giữa hai phe đối nghịch không phải là để cùng nhau thực hiện. Pháp rút, Mỹ sẽ thay để giữ Nam Việt ở phe tư bản. Bắc Việt theo phe xã hội chủ nghĩa, chỗ dựa để giành thống nhất. Tương quan lực lượng giữa hai phe cho thấy không thể thống nhất nước nhà trong vòng hai năm. Phát biểu của cha tôi làm cho ban tổ chức cuộc học tập rất tức giận. Họ gặp riêng khuyên cha tôi phải đặt niềm tin vào sức mạnh của nhân dân đoàn kết đấu tranh chính trị dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng. Nhưng cha tôi vẫn giữ ý kiến của mình.

HỒI KÝ TỐNG VĂN CÔNG (20)

Từ theo cộng đến chống cộng (20): Hai ông nhân sĩ trí thức xin vào Đảng

Trạm liên lạc 23 khi tôi là trạm trưởng đóng ở Cái Nước gần Sở Y tế do bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng làm giám đốc. Hồi này ông nổi tiếng với chủ trương kết hợp Đông Tây Y để điều trị bệnh (Đông y chủ yếu là thuốc Nam), vận động xóa bỏ cầu tiêu ven sông rạch, làm hố xí có hầm chứa phân bên cạnh, đặc biệt là hướng dẫn tập dưỡng sinh. Cán bộ nhân viên Sở Y tế Nam bộ quý trọng ông giám đốc ở cách cư xử: khi đi công tác xa, ông thay phiên chèo xuồng để anh cần vụ cũng được nghỉ ngơi. Mỗi ngày ông dành hai tiếng đồng hồ chài cá. Anh cần bộ bơi xuồng, ông Hưởng quăng chài, có hôm được cả gánh cả, ăn không hết phải cho hàng xóm. Tôi thường xuyên xin cá của ông, dần dà quen thân, gọi ông theo cách gọi của cán bộ nhân viên của sở: bác Ba! Trong số người gọi ông là bác Ba có chị y sĩ Hạnh, đến năm 1954, sau khi bác Ba gái qua đời, chị Hạnh được ông “đề bạt” lên em Hạnh rồi trở thành vợ. Dù chị đã được “thay bậc đổi ngôi” tôi vẫn gọi hai người như cũ: bác Ba, chị Hạnh. Sau khi tập kết ra Bắc, ông lên bộ trưởng và ngày trở lại miền Nam ông đã nghỉ hưu, thỉnh thoảng tôi vẫn đến thăm ông.