Monday 23 April 2012

Thái Vũ (Bùi Quang Đoài)

Từ hồi "mở cửa" nhất là khi từ internet du nhập Việt Nam, mình có cơ hội tìm hiểu về một thời lịch sử chưa xa của nước Việt Nam đáng thương, có quan tâm đến cả phần miền Bắc xã hội chủ nghĩa lẫn phần miền Nam dưới chính thể Việt Nam cộng hòa. Tuy nhiên, do hiểu biết hạn chế về miền Nam, nên mình chỉ dựa vào một số tên tuổi, và đã được đọc hồi ký của Phạm Duy, Nguyễn Hữu Hanh, Võ Long Triều, và cả hồi ký chưa công bố đầy đủ của Nguyễn Hiến LêLý Quý Chung, bộ tổng quan Văn học miền Nam của Võ Phiến, và sách của cụ Vương Hồng Sển, v.v. Ở miền Bắc, những sự kiện liên quan đến vụ Nhân văn-Giai phẩm, cải cách ruộng đất, và vụ án Xét lại chống Đảng được mình đặc biệt quan tâm.

Riêng vụ Nhân văn-Giai phẩm, số phận của những người có liên quan cũng là điều mình quan tâm tìm hiểu. Ngoài những nhân vật khá tên tuổi mà số phận đã rõ ràng với công chúng từ khá lâu hay trong những năm gần đây như: Văn Cao, Nguyễn Sáng, Hoàng Cầm, Lê Đạt, Trần Dần, Phùng Quán hay Nguyễn Hữu Đang, Phùng Cung, rồi Trần Đức Thảo, Đào Duy Anh, Nguyễn Mạnh Tường, Trương TửuPhan Khôi, Hữu Loan v.v., tôi cũng quan tâm đến số phận của ông chủ Minh Đức Thiếu Bảo, bà Thụy An, và gần đây thì có thông tin về Trần Duy hay Hoàng Yến, tôi còn thiếu hiểu biết về một nhóm các "Nhân văn làng, Nhân văn xóm, Nhân văn xã" (từ của Tô Hoài thì phải nữa) trong đó có nhóm tham gia tờ Đất Mới như Bùi Quang Đoài v.v.

Thì đây, tôi được biết Bùi Quang Đoài chính là nhà văn Thái Vũ, tiếc là tôi có thấy sách của Thái Vũ nhưng do không có thông tin về tác giả nên tôi chưa chú tâm đọc sách của ông. Biết Thái Vũ chính là Bùi Quang Đoài rồi, thì google search tôi tìm thấy loạt bài này của Đỗ Ngọc Thạch (chắc cũng là một nhà văn nhưng tôi chưa có dịp đọc ông) thế là tôi sáng tỏ thêm về số phận của Bùi Quang Đoài - Thái Vũ, cũng như Thái Vũ chia sẻ những gì liên quan đến ông và một số người khác vào thời ấy.

http://dongocthach18.vnweblogs.com/index.php

Tuy ông có giải thích mình không phải là "Nhân văn(-Giai phẩm"), mà đúng vậy, vì ông chỉ tham gia Đất Mới, nhưng khi nói đến Nhân văn hay Nhân văn-Giai phẩm người ta không chỉ giới hạn đến những ấn phẩm và những người làm ấn phẩm này, mà nó còn phản ánh một phong trào (mà một số người gọi vắn tắt là "tư trào" - trào lưu tư tưởng) đòi hỏi tự do tư tưởng trong xã hội và trong đời sống văn nghệ, nên Đất Mới, hay Trăm Hoa của Nguyễn Bính và kể cả tờ Văn của Hội Nhà văn do Nguyên Hồng chủ bút cũng đều phần nào được tính trong trào lưu này.

Đành là Thái Vũ về sau vẫn được xuất bản sách nhưng Bùi Quang Đoài đã mất tên, và cho dù Thái Vũ giải thích nhóm đại học được đối xử khác (như Phan Ngọc, Văn Tâm) so với khối văn nghệ sĩ nhưng cái dớp Nhân văn vẫn như một cái án treo đối với Thái Vũ, giống như Phùng Quán, cho rất lâu về sau này.