Thursday 6 December 2012

Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc - Căm pu chia 1975-1991

Khoảng năm 2008 đã đọc Hồi ký của Trần Quang Cơ, viết về quan hệ Việt-Trung, có liên quan đến Căm pu chia (xem dưới đây), gần đây lại đọc Hồi ký của Trương Đức Duy () - cựu Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam, thấy cũng khá trùng khớp với những gì mà Hồi ký Trần Quang Cơ ghi lại, hơn nữa giọng điệu của Trương cũng không quá ngạo mạn nước lớn như thường thấy trong các bài viết tương tự của Tàu, nên cũng lưu lại đây. Cho đến gần đây nhất, có tài liệu của Huỳnh Anh Dũng, về cùng chủ đề quan hệ Việt Nam - Căm pu chia trong bối cảnh quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, nên đăng cả ở đây cho đầy đủ, dễ tìm kiếm về sau

Cả ở Hồi kỳ của Trần Quang Cơ và ghi chép của Huỳnh Anh Dũng đều có những lời sau của Lê Đức Anh "nhận lỗi" trước một Thứ trưởng Ngoại giao của Trung Quốc, thấy thật sai lầm và sỉ nhục.


Lê Đức Anh có buổi gặp với Từ Đôn Tín chiều 29/7/1991 tại Điếu Ngư Đài , đ/c Lê Đức Anh nói: "Năm ngoái khi đ/c Từ Đôn Tín sang VN đã xảy ra một số trục trặc không hay lắm, do phía chúng tôi gây ra. Đ/c Nguyễn Văn Linh và chúng tôi khi biết việc này, chúng tôi không vui lắm. Đ/c thay mặt chính phủ  TQ sang VN để cùng chúng tôi thảo luận giải quyết công việc nhưng lại để xẩy ra trục trặc, chúng tôi không vui lắm. Hôm nay gặp đ/c tôi nói tình cảm của đ/c Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười và của tôi. Mong rằng sau này không xảy ra những trục trặc như thế nữa... Tình hình trục trặc trong quan hệ nước là một việc đau, lòng... Tôi đồng ý là không nên nêu vấn đề diệt chủng. Tôi cũng đã nói nhiều lần với đ/c Heng Somrin và Hun Sen."



Monday 8 October 2012

Nguyên Ngọc Vẫn trên đường xa (2)

Hôm trước đã viết mấy dòng nhân quyển sách mới ra Nguyên Ngọc Vẫn trên đường xa, có đề cập đến bài của Phạm Vĩnh Cư, thì nay đã thấy có bài đăng trên mạng, nên đưa luôn về đây cho tiộn theo dõi.
,

Mấy kỷ niệm khó quên với một chân nhân

(Trái hay Phải)-Tôi có cảm giác khi nói thế, anh nghĩ đến cả cái hành trang còn cần được bổ sung nhiều của mình, và điều khiến tôi thêm mến phục anh là trong những năm sau đấy, anh đã tự trang bị cho mình ngày càng nhiều kiến thức mới, nhận thức mới.
                                           
Lần đầu tiên tôi gặp anh Nguyên Ngọc vào mùa đông cuối năm 1957 ở Moskva. Cùng với bốn thành viên khác trong đoàn nhà văn Việt Nam sang thăm Liên Xô anh đến với chúng tôi – một trăm thiếu nhi Việt Nam có hạnh phúc được sống và học tập ở trung tâm của thành trì cách mạng thế giới và hòa bình thế giới.
Hồi ấy tôi đã mười lăm tuổi, đã thông thạo tiếng Nga và đang mê say với những “Evgeni Onegin”, “Một nhân vật anh hùng của thời đại chúng ta”, “Những linh hồn chết”, “Chiến tranh và hòa bình”…
Theo dõi thời sự văn học trong nước, tôi không thể không để ý đến tiểu thuyết “Đất nước đứng lên” của nhà văn trẻ Nguyên Ngọc đang được dư luận chúng khẩu đồng từ khen ngợi. Và cuốn sách ấy cùng với một số tác phẩm mới đang gây tiếng vang trong nước đã sớm đến tay chúng tôi.
Tôi nhớ ấn tượng đầu tiên sau khi đọc xong nó (cái này sẽ lặp lại nhiều lần trong cuộc đời độc giả của tôi): tốt đấy (nhất là hành văn) nhưng còn xa mới được như tôi chờ đợi. Có cái gì đó giản đơn, lạc quan đến nhẹ dạ, suy luận một chiều thẳng tuột, khác quá đi với những trải nghiệm về cuộc sống chưa phong phú nhưng đã sắc nét nơi tôi.
Cái cuộc sống ấy, trải ra trước mắt tôi ngay ở cái thiên đường xã hội chủ nghĩa này – chao ôi, sao nó phức tạp, rối rắm, đầy mâu thuẫn nội tại, những con người xung quanh và bản thân tôi sao bất toàn khó sửa chữa đến tệ hại.
Từ đó mà tôi thấy thật khó tin tưởng sắt đá vào tương lai một màu xán lạn của dân tộc, nhân loại và từng cá nhân con người mà sách báo và nhà trường dạy chúng tôi tin. Đọc văn học nước ngoài, cổ điển cũng như hiện đại, tôi thấy các tác giả lớn đều củng cố và khơi sâu trong tôi một nhận thức như vậy về nhân thế.
Thành thử tôi không thể thỏa mãn với “Đất nước đứng lên” cũng như “Vùng mỏ”, “Con trâu”, “Truyện anh Lục”… cũng dạy bảo tôi rằng chỉ cần đánh đuổi giặc ngoại xâm và xóa bỏ các giai cấp bóc lột tức thì nước Việt Nam ta sẽ trở nên hùng mạnh, người Việt ta sẽ được ấm no, hạnh phúc đời đời.

Friday 28 September 2012

DŨNG LÒ VÔI

Nghe danh Dũng Lò vôi đã lâu, và thỉnh thoảng đọc được đâu đó về nhân vật này, biết chàng khởi nghiệp từ tỉnh Bình Dương nhà bác Triết, nhưng nay đọc bài này của Minh Diện từ trang Lê Thiếu Nhơn thì hiểu rõ hơn về con người thay đổi cả tên lẫn vợ này. Khi nghe danh từ trước mình đã không bao giờ định thăm Đại Nam Văn Hiến vì những cái lố bịch mìng nghe được, nay đọc bài này thì thề luôn là nếu khi nào có dịp ghé Bình Dương cũng không bao giờ vào đây (cũng như một nơi buôn thần bán thánh khác khá là "hot" ở xứ Bắc). Cách đây không lâu mình tưởng giới doanh nhân mới len vào chính trường trong thời gian gần đây, nhưng khi tìm hiểu về Dũng Lò vôi mới thấy Dũng còn đi trước các ông nghị Tâm, Yến từ lău rồi.


Kỳ nhân HUỲNH UY DŨNG


Mỗi đêm Huỳnh Uy Dũng làm hàng chục bài thơ nhập đồng và cho in dán khắp nơi trong văn phòng công ty. Huỳnh Uy Dũng tuyển chọn  một  tập thơ “Tâm Linh” cho Nhà xuất bản Thanh Niên ấn hành và tuyên bố rằng: “Tôi thách các nhà thơ Việt Nam làm được thơ hay như thơ tôi”. Xin trích bốn câu thơ “tuyệt tác” của ông chủ khu du lịch Đại Nam Văn Hiến lừng lẫy với bút danh Huỳnh Công: “Về thăm Văn Hiến Quạt Mo. Thằng Bờm không đổi dù cho ba bè. Phú ông chớ ỉ giàu nghe. Quạt Mo không đổi ba bè gỗ lim”. Ngoài làm thơ tâm linh, Huỳnh Phi Dũng còn sáng tác kinh Phật mới, quốc ca mới và đặc biệt có khả năng  gọi mưa ngăn bão…




KỲ NHÂN HUỲNH UY DŨNG

MINH DIỆN

Mười sáu năm trước. Tôi nhận được lá thư bạn đọc phản ảnh việc Huỳnh Phi Dũng, giám đốc công ty Thanh Lễ lấy tiền nhà nước về quê làm đường với danh nghĩa cá nhân, nên tìm đến Bình Dương gặp Dũng để tìm hiểu sự thật. Khi nghe tôi nói nội dung bạn đọc, Dũng cười không nói gì, rồi bỏ vào phòng trong... Khoảng ba bốn phút sau Dũng quay ra pha bình trà mới và nói chuyện tiếu lâm, chẳng hề quan tâm đến việc tôi vừa hỏi
          Bỗng một chiếc xe du lịch xuất hiện trước sân và đồng chí Nguyễn Minh Triết - Bí thư tỉnh ủy Bình Dương (sau này là Chủ tịch nước) xuất hiện, tôi và Huỳnh Phi Dũng vội vã ra chào đón. Đồng chí Nguyễn Minh Triết tên thân mật là Sáu Phong, nguyên Bí thư Trung ương đoàn, thủ trưởng cũ của tôi.
          Tôi tưởng hôm nay tình cờ gặp  thủ trưởng cũ, nhưng không phải, anh Sáu Phong tới đây là do cú điện thoại của Huỳnh Phi Dũng lúc bỏ vào phòng trong.

Thursday 27 September 2012

Dương Kỳ Anh aka Dương Xuân Nam


Còn đây chính là chân dung cũa nhà ..., nhà ..., nhà ... DƯƠNG KỲ ANH aka DƯƠNG XUÂN NAM, cũng dưới góc nhìn của Minh Diện qua trang Lê Thiếu Nhơn.



DƯƠNG KỲ ANH có tài ẩn mình thoát qua tai họa


Nhà báo Minh Diện băn khoăn: “Là người trực tiếp tung hô hiện tượng “tiền nhân mượn bút”, nhưng khi mọi sự vỡ lỡ thì Dương Kỳ Anh lại chối bay chối biến như một người vô can. Hành vi ấy có đáng mặt một kẻ cầm bút từng được coi là “quan báo” không? Ai có thể  ngạc nhiên, còn tôi thì không bởi tôi  biết khá rõ nhà thơ, nhà báo Dương Kỳ Anh, tức Dương Xuân Nam - người đã làm Tổng biên tập báo Tiền Phong 21 năm 6 tháng 21 ngày và Trưởng ban tổ chức kiêm Trưởng ban giám khảo các cuộc thi Hoa Hậu Việt Nam liên tục nhiều năm, kể cả lần trao vương miện Hoa hậu cho một cô gái chưa có bằng Tú tài. Tôi  xin kể hai mẩu chuyện dưới đây để chứng minh điều đó”.



DƯƠNG KỲ ANH CÓ TÀI ẨN MÌNH THOÁT QUA TAI HỌA  

                                                                                        
 MINH DIỆN

                     I- 
Năm 1989, nạn video đen bùng phát  tại thành phố Hồ Chí Minh mà  điểm nóng nhất là khu vực quận Gò Vấp. Báo Tuổi Trẻ có phóng sự “Xóm video đen” gây tiếng vang… Tổng biên tập Dương Xuân Nam lồng lộn  vì ghen tức, ngày nào cũng hối thúc Ban đại diện ở phía Nam phải có bài về video đen.
                        Bấy giờ có một sỹ quan quân đội tên là Nhân chiếu phim “con heo” bị quân đội khởi tố đang trong vòng điếu tra, báo chí chưa được tiếp cân. Tôi được thượng tá Nguyễn Danh Giang là bạn thân khi ở Ban tuyên huấn Bộ tư lênh công binh miền, kể cho nghe chuyện đó.  Tôi đã lấy mẫu nhân vật  này viết một tiểu phẩm với nhan đề một “Một vụ án đau xót”. Nội dung  kể về một thiếu tá  đang làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, thì vợ tại Sài Gòn cho thuê nhà mở dịch vụ video đen. Tình cờ trở về bắt gặp  chính con mình đang  làm trò “con heo” như trong phim, anh thiếu tá  tức giận  rút súng bắn vào cái ti vi làm nó  nổ tung và con mình bị thương…
                         Tôi viết tiểu phẩm đó với ý thức rằng, cái xấu cái ác  luôn rình rập và len lỏi vào mọi nơi, và  chỉ có người lính mới tiêu diệt  được cái xấu, cái ác dù nó dấu mặt ở đâu. Tôi đã đổi tên nhân vật là Nguyễn Văn Nhồng và chọn hình thức tiểu phẩm để được hư cấu một phần câu chuyện..
                          Tôi viết  6 trang đánh máy, có ghi chú thể loại “Tiểu phẩm” đàng hoàng, và gửi ra Tòa soạn Hà Nội. Ông Dương Kỳ Anh biên tập lại chỉ còn 3 trang và tai hại hơn là  cắt béng đi cái tiêu đề “tiểu phẩm” , biến một mẩu chuyện có hư cấu  thành một bài báo chính luận - một thể loại  tuyệt đối không được phép hư cấu.  Bài báo đăng lên làm xôn xao dư luận. Ông Nam hoan hỉ: “Nó làm mờ  phóng sự  “Xóm video đen” của báo Tuổi Trẻ…”
                      Nhưng vì bài báo đó mà Quân khu 7 đã  khởi tố tôi về tội vu khống. Nguyên Tổng biên tập báo Tiền Phong - Đinh Văn Nam và phó Tổng biên tập báo Tiền Phong - Lương Ngọc Bộ  biết tôi oan, nên hết sức bảo vệ. Đặc biệt, Anh hùng quân đội Trịnh Tố Tâm - Bí thư Trung ương Đoàn đã đến tận nhà  nói với vợ tôi:  “Em yên tâm, thằng Diện mà phải ở tù thì anh ở tù thay cho !”.
                      Trong khi đó Dương Kỳ Anh chỉ sợ tôi khai bất lợi cho ông ta. Mặc dù tôi đã nói sẽ không làm liên lụy đến ai, nhưng Dương Kỳ Anh vẫn không yên tâm. Ông ta gửi trả lại tôi chiếc máy ghi âm nhỏ xíu mà ngày đó báo Tiền Phong chỉ mình tôi có. Đó là chiếc máy tôi đã ghi âm những cuộc trao đổi giữa tôi với Dương Xuân Nam về bài báo kia. Khi tôi kiểm tra thì toàn bộ băng ghi âm đã bị xóa....

Tướng Trần ̣Độ

Chuyện kể dưới đây, dẫn từ trang của Lê Thiếu Nhơn, của nhà báo Minh Diện không chỉ về tướng Trần Độ mà còn hé mở cho ta thấy một góc con người Dương Kỳ Anh, aka Dương Xuân Nam, nhà ..., nhà ..., và nhiều loại nhà khác không thể kể cho hết.


Lần cuối gặp Tướng TRẦN ĐỘ


Tôi  gọi điện cho Tổng biên tập Dương Xuân Nam hỏi có  nên vào thăm tướng Trần Độ- nguyên Trưởng ban tư tưởng Trung ương, đang nằm điều trị ở Bệnh viên Chợ Rẫy không?. Dương Xuân Nam bảo: “Không được lấy danh nghĩa báo Tiền Phong làm bất cứ việc gì liên quan đến  nhân vật ấy!”. Tôi  rủ ông Trần Quang - trưởng ban đại diện báo Tiền Phong tại thành phố Hồ Chí Minh đi cùng tôi với danh nghĩa cá nhân… Chúng tôi hỏi thăm tình hình bệnh tật của tướng Trần Độ, ông nói ông bị tiểu đường từ khi còn chiến tranh, bây giờ  trở nên trầm trọng, ông mới phải cắt bỏ hai ngón chân vì hoại tử. Ông nói, mong sức khỏe khá lên một chút sẽ ra Hà Nội xin gặp mấy anh trong Bộ Chính trị  để trình bày bức xúc của mình về những nguy cơ làm biến chất đảng và những bất cập trong quản lý chính quyền, tệ sính thành tích, nịnh hót, nói hay làm dở, và vô cảm trước dân…


LẦN CUỐI GẶP TƯỚNG TRẦN ĐỘ

MINH DIỆN     
                           
      Tôi gặp tướng  Trần Độ lần đầu tiên vào mùa khô năm 1973, tại Đại hội anh hùng dũng sĩ Quân giải phóng miền Nam ở rừng cao su Lộc Ninh   Hồi ấy Bộ tư lệnh Công Binh B2 chịu trách nhiệm làm hội trường và xây dựng hầm hào, nhà cửa cho  đại biểu về dự Đại hội. Nhiều nhà văn, nhà báo cũng  về  lấy tài liệu viết gương chiến đấu của các Anh hùng, dũng sĩ. Tôi lúc đó vừa  làm báo Công Binh vừa là người của Phòng chính trị  ra  phục vụ Đại hội.

Tự thuật Đặng Văn Ngữ

Còn đây là tự thuật của Bác sĩ Đặng Văn Ngữ về quá trình học tập, nghiên cứu của ông cũng như con đường đưa ông về với Chính phủ kháng chiến Hề Chí Minh.


Tự thuật
của Giáo sư Đặng Văn Ngữ
từ nhỏ đến khi về nước tham gia Kháng Chiến
(1910 - 1949)

Trong cuộc chỉnh huấn tại chiến khu Việt Bắc năm 1954, giáo sư Đặng Văn Ngữ có viết một bản tự thuật về cuộc đời của mình.
Năm 1988 gia đình đã cho công bố nguyên văn bản tự thuật đó trên tạp chí Sông Hương ở Huế (số 33 tháng 9, 10 năm 1988), với tiêu đề Trở về với quê hương kháng chiến”.

Giáo sư Đặng Văn Ngữ
(1910-1967)
Cha tôi lúc còn nhỏ tự học chữ nho có tiếng là giỏi, nhưng đến tuổi đi thi thì thực dân Pháp đã bãi bỏ các kỳ thi chữ nho. Mẹ tôi, lúc lấy cha tôi, là người bán hàng xén, hàng ngày gánh một gánh hàng đi bán khắp các chợ ở vùng thôn quê quanh thành phố Huế. Đến lúc đẻ tôi thì vốn hàng rong đã tương đối khá hơn, đã thuê được một tấm phản ở chợ An Cựu. Hàng ngày chị tôi và một người giúp việc gánh hàng ra chợ; mẹ tôi, chị tôi và sau này chị dâu tôi cùng ngồi bán. Không bao lâu gian hàng của gia đình tôi đã trở nên đắt khách nhất và to nhất ở chợ An Cựu. Cha tôi không bao giờ bước chân ra chợ, chỉ ở nhà lo việc sổ sách, chuẩn bị hàng hoá, như làm mứt kẹo, xắt thuốc lá cho mẹ tôi bán.

Rễ bèo chân sóng hay Hồi ký của nhà văn Vũ Bão

Bài này có trên mạng lâu rồi, nay mới thấy, lưu lại đây cho dễ tìm về sau.


Nguyên Ngọc Vẫn trên đường xa

Nhân Nguyên Ngọc 80 xuân, có nhiều bài viết về NGUYÊN NGỌC, đặc biệt có quyển NGUYÊN NGỌC Vẫn trên đường xa tập hợp các bài viết của nhiều tác giả về Nguyên Ngọc.

Trong số các bài viết của quyển này (xem danh mục đầy đủ ở cuối bài), ngoài bài khá dài của Trần Đăng Khoa cho thấy một tính cách Nguyên Ngọc mà nhiều người đã được biết, bài viết lại cũng không mới vì đã được đăng tải đâu đó, trên mạng và bản in, từ khá lâu, nếu muốn nghe được ý kiến của chính người trong cuộc, tức Nguyên Ngọc, thì có các bài của Nam Dao Nguyễn Mạnh Hùng, Nguyễn Thị Từ Huy và Vũ Thành Tự Anh.

Nhưng cá nhân tôi thấy đáng lưu ý có hai bài, một của Phạm Viĩnh Cư cho thấy một Nguyên Ngọc tuy sẵn sàng chấp nhận cái mới nhưng vẫn chưa thoát khỏi những suy nghĩ cũ, khi ông nói đã biết cách làm việc với văn nghệ sĩ, Phạm Vĩnh Cư đáp nhưng liệu các văn nghệ sĩ có cần anh (tức lãnh đạo) "làm việc" với họ hay không, một điều mà trước đó Nguyên Ngọc không hề nghĩ đến.

Bài thứ hai rất đáng lưu ý là bài đăng dưới đây, của Tống Văn Công, cựu Tổng biên tập báo Lao Động, rất may là đã có trên mạng nên không cần phải ngồi gõ lại: Từ một bài báo nhỏ.

Bài này chỉ kể một sự việc nhỏ có liên quan đến Nguyên Ngọc, nhưng chủ yếu là cách xử trí của Tống Văn Công trong mối quan hệ "nhạy cảm"  giữa báo chí và công an, qua đó ta thấy cách thức công an đã can thiệp vào lĩnh vực quản lý báo chí như thế nào, và nó cũng lý giải tại sao ở đất nước này một số chiến sĩ công an đã trở thành hội viên Hội nhà văn.


Từ một bài báo nhỏ

Tống Văn Công

 
Hôm đó, tôi đang dự họp ở Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thì có điện của anh Trần Đức Chính, trưởng ban Văn hóa -Văn nghệ báo Lao Động gọi. (Anh Trần Đức Chính sau này là Tổng biên tập báo Nhà báo và Công luận, là cây bút Lý Sinh Sự nổi tiếng hiện nay). Anh cho biết: “Có anh Đỗ văn Phú, sĩ quan của A.25 tới tòa báo, yêu cầu cho xem bài viết của nhà văn Nguyên Ngọc đã gửi đăng báo. Tôi định trả lời là tôi không có quyền cho anh ấy đọc, bởi vì Tổng biên tập chưa đọc. Nhưng nghĩ lại, chuyện này để Tổng biên tập quyết đinh mới đúng. Vậy ý anh thế nào?”.

Sunday 9 September 2012

Anh Ba Sàm

Bấy lâu cứ thắc mắc Anh Ba Sàm, hay chủ trang anhbasam là ai. Cứ nghĩ anh là người làm báo, hoặc chí ít có nhiều liên quan đến báo chí, và cái biệt danh Ba Sàm có dính dáng đến phương ngữ tiếng Việt miền Nam, và áng chừng anh ở độ tuổi 50, tức là khoảng cuối những năm 1950 và đầu những năm 1960. Nay, nhân dịp trang anhbasam tròn 5 tuổi, thông tin về chủ trang không còn là bí mật nữa.

Trước hết, là thông tin về nguồn gốc gia đình anh, cụ thể là cha anh, ông Nguyễn Hữu Khiếu, cựu Đại sứ VNDCCH tại Liên (bang Cộng hoà xã hội chủ nghĩa) Xô (viết), cựu Bộ trưởng Lao động.

http://ca.cand.com.vn/News/PrintView.aspx?ID=54810

Hoá ra, anh không xa lạ vì là chủ doanh nghiệp "thám tử tư" đầu tiên tại Việt Nam, mình nhớ đã đọc đâu đó bài giới thiệu về công việc kinh doanh cuả anh, và hình như đã có lần "lạc" vào trang web cuả doanh nghiệp thám tử tư cuà anh.

Tuesday 4 September 2012

Hoàng Cầm "Về Kinh Bắc"

Đọc bài này ờ đâu đó đã lâu, rất nhớ lời này cuả Tố Hữu: “Ngoại quốc can thiệp hả? Đã thế thì cho thêm một năm nữa!”.

Hôm nay blog cuả Nguyển Trọng Tạo đăng lại, nên bê luôn về đăy cho dễ tìm về sau, cũng là để bổ sung cho hoàn chỉnh vai trò, tính cách cuả từng "nhân vật" Nhân văn, kể cả trong thời gian đấu tranh gay gắt nhất chống Nhân văn - Giai phẩm cuối những năm 1950, và về sau, cũng như "vụ Vể Kinh Bắc" "hậu Nhân văn liên quan đến một nhân vật Nhân văn là Hoàng Cầm, và một kẻ thuộc loại "hậu sinh" là Hoàng Hưng, đăng tải trên mạng thời gian gần ̣đây.


HOÀNG CẦM (2007)
Thi sĩ Hoàng Cầm
Thi sĩ Hoàng Cầm – Ảnh Nguyễn Đình Toán
Về Kinh Bắc ra đời trong một hoàn cảnh rất đặc biệt. Vào cuối những năm 1950, bốn anh em chúng tôi (Hoàng Cầm, Trần Dần, Lê Đạt, Đặng Đình Hưng) sau khi đi lao động cải tạo về, vẫn nằm trong thời kỳ bị kiểm soát chặt chẽ. Nói cho đúng thì riêng tôi không phải đi lao động, (không biết vì lý do gì mà những nơi Hội Nhà văn liên hệ để đưa tôi đến lao động đều không nơi nào chịu nhận, thế là tôi thoát!) trong khi Lê Đạt thì đi Phú Thọ, Trần Dần đi Thái Nguyên. Và nói về sự kiểm soát thì tôi cũng được thoải mái hơn hai anh ấy. Tôi cứ việc ở nhà trong khi Lê Đạt và Trần Dần thì tất cả các buổi sáng phải đến ngồi ở Hội Nhà văn. Chỉ uống nước chè, tán chuyện, cười ha hả thôi, nhưng vẫn phải đến. Nhưng việc in ấn thì dứt khoát là không được phép.

Saturday 18 August 2012

Xuân Diệu 1954-1958 (6)

Phần cuối.


LẠI NGUYÊN ÂN VÀ ALEC HOLCOMBE – CON TIM VÀ LÝ TRÍ CỦA THI SĨ XUÂN DIỆU: GIAI ĐOẠN 1954 – 1958 (PHẦN CUỐI)

03/11/2010 | 11:14 sáng | Phản hồi đã bị khóa
Tác giả: Đông Hiến
Đông Hiến dịch
Từ Văn hồi tưởng về Nhân văn – Giai phẩm
Sự kiện đóng cửa báo Văn vào tháng Giêng dường như là màn khởi động của đợt tấn công dữ dội, diễn ra từ tháng Hai đến tháng Sáu năm 1958, nhằm vào những trí thức đã chỉ trích chế độ trên các ấn phẩm tư nhân trong thời kỳ Nhân văn – Giai phẩm. Hơn nữa, dù đã đóng cửa, tờ báo Vănvẫn tiếp tục bị phê phán, dường như lãnh đạo đảng cố bêu riếu về mối quan hệ tội lỗi của tờ báo với các ấn phẩm ngang ngược của phong trào Nhân văn – Giai phẩm.[1] Vì thế, gần ba tháng sau khi lãnh đạo đảng ra lệnh đóng cửa tờ báo, ba biên tập viên của Văn đột nhiên đăng bài tự kiểm điểm trên báo Nhân Dân, cơ quan của đảng. Dưới tiêu đề chung “Các đồng chí ở báo Văn bắt đầu tiến hành tự phê bình”, báo Nhân Dân đăng liền một loạt bài tự nhận lỗi công khai (vì bị ép buộc?) của Nguyên Hồng, Tô Hoài và Tế Hanh.[2] Như xát thêm muối vào chỗ đau, sau khi đăng bài tự phê của nhà văn hiện thực phê phán nổi tiếng Nguyên Hồng, Nhân Dân chạy ngay một bài có đặt vấn đề chất vấn tính thành thật của nhà văn này.[3]
Xuân Diệu đóng góp vào đợt đánh Nhân văn – Giai phẩm mới với bốn bài tiểu luận đăng vào cao điểm của đợt tấn công thứ hai đầy uy lực này nhằm vào các thành viên phong trào: “Một số vấn đề đấu tranh tư tưởng trong thơ”, “Những suy nghĩ chung quanh vấn đề chỉnh huấn”, “Những biến hóa của chủ nghĩa cá nhân tư sản qua thơ Lê Đạt” và “Những tư tưởng nghệ thuật của Văn Cao”.[4] Nội dung của bốn bài luận này gợi cho ta thấy vai trò của Xuân Diệu trong đợt tấn công này – dù tự nguyện hay được trên giao – là khẳng định quan điểm cho rằng lĩnh vực văn chương là một chiến trường tư tưởng. Ở mặt trận thơ ca, các cứ điểm chính phải san phẳng là các thành viên chủ chốt của Nhân văn – Giai phẩm: Lê Đạt và Văn Cao. Một địch thủ nguy hiểm nữa là Nguyễn Tuân, với bài tùy bút phá cách “Phở” và mối liên hệ với các nhà văn hiện thực phê phán. Xuân Diệu không phải là người khởi xướng đợt tấn công, nhưng ông giữ vai trò dẫn dắt với nhiệm vụ quy kết và bôi nhọ thơ của Nhân văn – Giai phẩm là “một luồng thơ chống đảng, chống chế độ”. Hơn nữa, ông đã đem uy tín khá dày của mình với tư cách là nhà thơ số một của Phong trào Thơ mới để đóng góp vào chiến dịch tấn công không thương tiếc nhằm vào các nhà thơ đã đứng lên đòi nới rộng tự do tư tưởng.
Thế nên Xuân Diệu đã nhận xét “cố giật gân người đọc như Trần Dần, huênh hoang như Lê Đạt, trá hình nhiều cách lập lờ giả trái như Hoàng Cầm”. Bài báo của Xuân Diệu tấn công Lê Đạt đầy sự mạ lỵ ác ý, thậm chí còn gọi Lê Đạt là “nhà văn cao bồi”. Trong bầu không khí chính trị đang ngập tràn tinh thần chống Mỹ ở Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đây thực sự là cách gọi chụp mũ đầy ác hiểm. Xuân Diệu viết “Một anh cán bộ văn hóa đã bộc lộ rằng khi anh đọc thơ Lê Đạt cho một số thanh niên cao bồi ở Hà Nội thì họ mới nghe thoáng qua, chưa cần hiểu rõ từng câu, họ đã thích ngay. Cái máu cá nhân anh hùng rẻ tiền càn quấy ngổ ngáo của cao bồi đã gặp Lê Đạt là kẻ phát ngôn của họ”.[5]
Cũng với mạch tư duy này, Xuân Diệu gọi Văn Cao là “đại ca” ngụy quân tử, “giả dối như một con mèo, kín nhẹm như một bàn tay âm mưu trong truyện trinh thám”, “lập lờ, ấp úng, bí hiểm, hai mặt,” “hiểm độc,” “một cái giọng cao đạo, ra vẻ bác học, thông thái”. Ông chỉ trích “cái duy tâm chủ quan”, “cái cá nhân chủ nghĩa bế tắc”, “cái tìm tòi lập dị”, “cái khinh thường quần chúng”, và “một mớ cặn bã tư tưởng cũ rích” của Văn Cao. Cuối cùng Xuân Diệu cảnh tỉnh Văn Cao mà như có ý đồng thời tự căn dặn mình: “Nhà văn trước tiên phải ôm lấy tư tưởng đúng, phải ôm lấy quần chúng vạn năng, phải ôm lấy Đảng vĩ đại, chứ nếu chỉ ôm lấy một mớ chữ, theo lối Văn Cao tán thưởng, thì chỉ ôm lấy tro tàn thuốc lá hay cặn rượu mà thôi. Huống chi mớ chữ đó lại phản động, thì nhất định tiêu ma sự nghiệp”.[6]

Xuân Diệu 1954-1958 (5)




LẠI NGUYÊN ÂN VÀ ALEC HOLCOMBE – CON TIM VÀ LÝ TRÍ CỦA THI SĨ XUÂN DIỆU: GIAI ĐOẠN 1954 – 1958 (PHẦN 5)

03/11/2010 | 11:12 sáng | Phản hồi đã bị khóa
Tác giả: Lại Nguyên Ân
Đông Hiến dịch
Báo Văn: từ mồng 10 tháng Năm năm 1957 đến 17 tháng Giêng năm 1958
Tại các buổi họp diễn ra trong hai ngày 25 và 26 tháng Tư năm 1957, ban chấp hành Hội Nhà văn thông qua quyết định thành lập một nhà xuất bản và tuần báo Văn. Tờ báo bắt đầu phát hành khoảng bốn tháng sau khi các ấn phẩm Nhân văn – Giai phẩm bị đóng cửa, và do hai nhà văn hiện thực phê phán nổi tiếng trong giai đoạn Pháp thuộc là Nguyễn Công Hoan và Nguyên Hồng điều hành. Cả hai đều là những trí thức có bề dày tham gia cách mạng và không viết lách gì trong phong trào Nhân văn – Giai phẩm.[1]
Số đầu tiên của Văn ra ngày mồng 10 tháng Năm năm 1957, đăng truyện, thơ, phê bình văn học, hồ sơ văn học, thông báo và tin tức trong ngành. Trên những trang báo Văn, độc giả có thể tìm thấy mục bình luận chính trị, những bài thơ hoặc biếm họa rất cay nghiệt, chủ yếu đả kích “đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai đứng đầu là Ngô Đình Diệm”. Tuy nhiên, cùng với những bài lớn tiếng chống Mỹ, ca ngợi Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thỉnh thoảng cũng có xuất hiện những bài ít ồn ào hơn, dưới những hình thức thận trọng và tinh vi, nêu lên những băn khoăn, hoặc chỉ trích, về thế giới quan Mác-Lê của chế độ và chương trình xây dựng xã hội chủ nghĩa.[2]
Dù cộng tác chặt chẽ hơn với nguyệt báo văn học và nghệ thuật theo đường lối bảo thủ, Tạp Chí Văn nghệ, Xuân Diệu cũng thỉnh thoảng viết bài cho Văn. Một nghiên cứu về các bài ông viết cho tờ báo này cho thấy, sau hai bài diễn văn sôi nổi chiêng trống phụ họa cho chính sách văn học của chế độ, bản thân Xuân Diệu vẫn dao động qua lại giữa những chủ đề lãng mạn và cách mạng, cố gắng tìm sự dung hòa nghệ thuật và đôi khi không tuân thủ những yêu cầu mà ông đang tham gia quảng bá. Bài đầu tiên ông gửi đăng trên tờ báo này là bài thơ “Gió”, đăng trên số ba (ngày 24 tháng Năm năm 1957):
Gió
Gió về như mưa tối
Lá giậy như lá đi
Ào ào tiếng sóng vỗ
Không gian có việc gì?
Gió gió gió rào rào
Trăng trăng trăng chấp chới
Trời tròn như buồm căng
Tất cả lên đường mới.
Hồn ta cánh rộng mở
Đôi bên gió thổi vào
Nghĩ những điều hớn hở
Như trời cao, cao, cao.

Xuân Diệu 1954-1958 (4)




LẠI NGUYÊN ÂN VÀ ALEC HOLCOMBE – CON TIM VÀ LÝ TRÍ CỦA THI SĨ XUÂN DIỆU: GIAI ĐOẠN 1954 – 1958 (PHẦN 4)

03/11/2010 | 11:11 sáng | Phản hồi đã bị khóa
Tác giả: Alec Holcombe
Đông Hiến dịch
Xâu chuỗi lại những nhận xét về Xuân Diệu trong thời kỳ Nhân văn – Giai phẩm
Những tài liệu về báo chí thời kỳ Nhân văn – Giai phẩm cho phép chúng ta tổng kết lại những nét chính của dư luận đa chiều xung quanh quá trình phục vụ cách mạng của Xuân Diệu. Trước hết, có vẻ nhà thơ đã lợi dụng uy tín cá nhân của mình và khai thác những mối quan hệ có quyền lực trong đảng để gây sức ép với NXB Văn nghệ vốn đang lưỡng lự, phải sớm in tập thơ Ngôi sao. Thứ nhì, đại đa số đội ngũ trí thức văn nghệ cho rằng chất lượng của tập thơ kém, khiến quyết định trao giải nhì càng có vẻ bất công hơn. Ba là, Xuân Diệu đã tham gia ban giám khảo xét giải thưởng văn học 1954-1955 mà vẫn nộp tác phẩm dự giải, tạo cho mình lợi thế có thể bỏ phiếu, hoặc ít nhất là vận động sự ủng hộ, cho tác phẩm của chính mình.[1] Bốn là, trong ban giám khảo, Huy Cận, bạn đời của Xuân Diệu, là người vận động tích cực nhất cho tập thơ Ngôi sao. Năm là, khi Phan Khôi nhận xét thơ cách mạng của Xuân Diệu kém hơn thơ lãng mạn, một thành viên không rõ tên của ban giám khảo đã gần như gợi ý rằng cần phải trao giải cho thơ cách mạng Xuân Diệu để đảng khỏi mất uy tín. Sáu là, sau khi Huy Cận đinh ninh rằng Ngôi sao sẽ được giải, Xuân Diệu đã tự giúp mình thêm bằng cách yêu cầu tất cả các tác phẩm được giải (trong đó, đương nhiên có Ngôi sao) phải được quảng bá rộng rãi trên báo chí của đảng (sử dụng ngân sách công) để khuyến khích quần chúng mua tác phẩm (và tiền sẽ vào túi Xuân Diệu). Điểm cuối cùng là, cả Trần Công và Nguyễn Bính đều công khai khẳng định rằng Xuân Diệu và Huy Cận là một đôi, đầy quyền lực trong lĩnh vực văn hóa văn nghệ.
Việc Xuân Diệu nghĩ như thế nào về những ý kiến tranh luận rất nóng liên quan đến sự nghiệp cách mạng của mình vẫn còn là điều bí ẩn, vì ông không viết một bài nào phản ứng lại những vấn đề do những người phê bình ông đưa ra. Một manh mối cho thấy trạng thái tâm lý của Xuân Diệu là ông không đăng bất cứ một bài vở gì trong suốt năm tháng liền, từ ngày 17 tháng Năm năm 1956 – ông có bài nhận xét về cuốn sách Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch cho đến ngày mồng 9 tháng Mười một năm 1956, bài “Về con người cũ và con người mới”.[2] Bài viết sau là bản dịch các ghi chép của Maksim Gorky về sự chuyển hóa cách mạng. Trong thời gian đó, các rạp ở Hà Nội đang chiếu bộ phim Liên Xô dựa theo tác phẩm nổi tiếng của Gorky “Người mẹ”.[3] Bản dịch các ghi chép của Gorky là một bước đi hết sức thận trọng của Xuân Diệu nhằm tiếp cận lại diễn đàn trí thức sau một thời gian dài im hơi lặng tiếng.[4]

Xuân Diệu 1954-1958 (3)




LẠI NGUYÊN ÂN VÀ ALEC HOLCOMBE – CON TIM VÀ LÝ TRÍ CỦA THI SĨ XUÂN DIỆU: GIAI ĐOẠN 1954 – 1958 (PHẦN 3)

03/11/2010 | 11:09 sáng | Phản hồi đã bị khóa
Tác giả: Đông Hiến
Đông Hiến dịch
Hóa giải ảnh hưởng của Stalin ở Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
Những lời lên án mạnh mẽ đến mức gây sốc về tội ác của Stalin do Khrushchev phát biểu khiến những phần tử bất mãn trong đội ngũ trí thức ở Việt Nam phấn khởi. Nhiều người còn đang giận dữ về cách xử lý của lãnh đạo văn hóa đối với các giải thưởng văn học giai đoạn 1954 – 1955, mới công bố kết quả trên báo Văn nghệ số ra ngày 15 tháng Ba năm 1956. Gần như đúng tròn một năm sau vụ tranh luận về Việt Bắc, Xuân Diệu lại rơi vào vị trí trung tâm của rắc rối. Vì chính quyết định trao giải nhì cho tập thơ cách mạng Ngôi sao của ông đã làm dấy lên làn sóng phản ứng mạnh mẽ nhất, với sự xuất hiện của ba bài phê bình trên tờ báo văn học tư nhân Trăm Hoa.[1]
Khi mọi chuyện đã qua, bây giờ nhìn lại mới thấy ba bài này quả thực là phát súng mở màn cho một trận chiến về công tác cách mạng của Xuân Diệu. Vấn đề cốt yếu vẫn là chất lượng những bài thơ cách mạng của ông. Liệu Ngôi sao, tập trung tất cả những sáng tác của nhà thơ trong mười năm dưới sự dẫn dắt của đảng có so được với Thơ thơ và Gửi hương cho gió không? Nếu Ngôi sao quả là ưu việt hơn, điều đó có nghĩa là chính sách văn hóa của đảng và sự chỉ đạo của các quan chức văn hóa là hợp lý. Nếu không, có thể đã đến lúc phải cân nhắc những thay đổi lớn về chính sách và nhân sự. Trong hoàn cảnh bình thường, ba bài phê bình trên Trăm Hoa và tiếp theo là việc tờ báo phải đóng cửa vì phá sản sẽ đặt dấu chấm hết cho vụ việc này, và các trí thức bất mãn sẽ hướng mối quan tâm của mình sang những thứ khác.

Xuân Diệu 1954-1958 (2)





LẠI NGUYÊN ÂN VÀ ALEC HOLCOMBE – CON TIM VÀ LÝ TRÍ CỦA THI SĨ XUÂN DIỆU: GIAI ĐOẠN 1954 – 1958 (PHẦN 2)

03/11/2010 | 11:08 sáng | Phản hồi đã bị khóa
Tác giả: Lại Nguyên Ân
Đông Hiến dịch
Cuộc tranh luận về tập thơ Việt Bắc
Trong chín tháng giữ vai trò cầm lái tờ Văn nghệ, từ ngày mồng 1 tháng Mười một năm 1954 đến ngày mồng 4 tháng Tám năm 1955, Xuân Diệu trải qua một giai đoạn có thể coi là ly kỳ nhất trong cuộc đời tham gia cách mạng của ông. Với chức vụ thư ký tòa soạn, Xuân Diệu cầm trịch cuộc tranh luận văn học quan trọng về tập thơ Việt Bắc của Tố Hữu, người đã được lãnh đạo đảng chọn để đứng đầu mặt trận văn hóa. Cách Xuân Diệu xử lý cuộc tranh luận có vẻ đã làm lãnh đạo đảng không hài lòng, và có thể chính điều đó đã dẫn đến quyết định phải thay người khác vào vị trí thư ký tòa soạn báo Văn nghệ.
Trong hai tháng đầu tiên, Xuân Diệu đã để cho cuộc tranh luận diễn ra như một sự kiện tranh luận văn học thực sự, cho in một số bài phê bình Việt Bắc khá nặng cùng với những bài khen ngợi.[1] Nhưng dưới quan điểm “văn học không thể tách rời chính trị” của chế độ, tranh luận công khai về thơ của Tố Hữu cũng có nghĩa là tranh luận về quan điểm chính trị của ông ta. Và đương nhiên, phe phê phán chẳng bao lâu sau bắt đầu đặt câu hỏi về lập trường của Tố Hữu theo hệ tư tưởng Mác-Lê, ngầm ý chất vấn quyết định của lãnh đạo khi giao trọng trách cho Tố Hữu ở vị trí quyền lực nhất trong lĩnh vực văn hóa. Nguyên nhân vì sao lãnh đạo Đảng Lao động Việt Nam để cho cuộc tranh luận kéo dài đến thế vẫn là điều chưa được giải đáp. Một cách giải thích khả dĩ là cuộc tranh luận diễn ra trong thời điểm còn nhiều căng thẳng đối với giới lãnh đạo chế độ mới, khiến họ e ngại nếu can thiệp không khéo sẽ làm bất bình số đông trí thức cách mạng, những người coi việc tranh luận chuyên môn là một phần bình thường của đời sống trí thức.
Trong thời gian đó, nạn đói xảy ra ở hầu khắp các vùng nông thôn miền Bắc. Lúc đó đang là tháng Tư, một tháng trước vụ chiêm. Ngay cả trong những năm được mùa, người nông dân Bắc Việt vẫn thường thiếu ăn vào thời điểm này. Ba văn bản liên tiếp của Bộ Chính trị kêu gọi cứu đói trên toàn miền Bắc (vào các ngày mồng 9, 16 và 29 tháng Tư năm 1955) cho thấy tình hình căng thẳng đến mức nào.[2] Một vấn đề lớn nữa thu hút sự quan tâm của giới lãnh đạo vào thời điểm này là cuộc di cư lớn của người dân miền Bắc vào Nam. Hiệp định Geneva đã ấn định khung thời gian ba trăm ngày tự do đi lại giữa hai miền Nam – Bắc từ tháng Bảy năm 1954 đến tận tháng Năm năm 1955. Đối với các nhà lãnh đạo Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, những người tự gọi chế độ của mình là “dân chủ nhân dân”, việc gần một triệu người miền Bắc di cư vào Nam được coi là một thất bại lớn về thể diện.

Xuân Diệu 1954-1958 (1)

Còn đây là bài dài nhiều kỳ về Xuân Diệu.

Theo talawas.


LẠI NGUYÊN ÂN VÀ ALEC HOLCOMBE – CON TIM VÀ LÝ TRÍ CỦA THI SĨ XUÂN DIỆU: GIAI ĐOẠN 1954 – 1958 (PHẦN 1)

03/11/2010 | 11:07 sáng | Phản hồi đã bị khóa
Tác giả: Alec Holcombe
Đông Hiến dịch
Trong giai đoạn 1954 – 1958, Đảng Lao động Việt Nam, sau nhiều đợt giằng co tiến thoái, đã áp đặt được sự kiểm soát trên tất cả các lĩnh vực của hoạt động thông tin văn hóa và học thức của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đối với nhiều nhà trí thức cách mạng, tình trạng mất tự chủ về chuyên môn là một điều thất vọng đến bất ngờ. Họ từng nghĩ rằng những cống hiến trong kháng chiến chống Pháp (Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất – 1946-1954) và kết quả thắng lợi của cuộc kháng chiến là đủ chứng minh cho sự trung thành của mình với cách mạng. Họ cảm thấy như vậy là đương nhiên sẽ có thêm không gian riêng trong lĩnh vực chuyên môn, vốn nằm trong tầm kiểm soát chặt chẽ của đảng suốt tám năm kháng chiến.[1] Nhưng giới lãnh đạo Đảng Lao động Việt Nam lại nghĩ khác. Giai đoạn bốn năm sau khi chiến tranh kết thúc là thời gian giải quyết những khác biệt về quan điểm nói trên, đồng thời đặt ra những quy định thiết yếu cho đời sống trí thức của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đa phần vẫn còn được bảo lưu cho đến tận hôm nay. Chính ở giai đoạn ngắn ngủi này, tầng lớp trí thức của chế độ đã chứng kiến những đổi thay bất ngờ, những lật lọng khó đoán, và không ít người trong số họ đã tự mình trải nghiệm những xử lý khiến số phận họ hoàn toàn thay đổi.

Về Kinh Bắc - Vụ án "Hậu" Nhân văn


Đây là bài của nhà báo, nhà thơ Hoàng Hưng kể chi tiết việc anh bị bắt và giam giữ, trong cùng một vụ với nhà thơ quá cố Hoàng Cầm liên quan đến tập thơ Về Kinh Bắc của Hoàng Cầm, cũng như phần nào sự việc sau này của anh, Hoàng Cầm, hay phần phản hồi cho thấy liên quan đến những người khác như Nam Dao Nguyễn Mạnh Hùng, "nhà văn" an ninh (tức A25) Khổng Minh Dụ, và Trần Thiếu Bảo v.v.

Theo talawas.



Bìa tập thơ "Về Kinh Bắc" do Trần Thiếu Bảo vẽ

HOÀNG HƯNG – VỤ ÁN “VỀ KINH BẮC”, MỘT SỰ KIỆN “HẬU NHÂN VĂN”

18/09/2010 | 7:40 chiều | 11 phản hồi
Tác giả: Hoàng Hưng
Gần đây trên mạng xuất hiện một số tư liệu mới về phong trào Nhân văn – Giai phẩm. Tiểu luận mang tên “Vụ Nhân văn – Giai phẩm từ góc nhìn một trào lưu tư tưởng dân chủ, một cuộc cách mạng văn học không thành” của nhà văn Lê Hoài Nguyên, nguyên đại tá Cục An ninh Tư tưởng Văn hóa Bộ Công an (A 25), là một tư liệu quan trọng góp phần vào lịch sử đấu tranh dân chủ của nước Việt Nam hiện đại. Trong tiểu luận trên, tác giả xếp vụ án “Về Kinh Bắc” 1982[1] vào mục “Hậu Nhân văn”. Chính điều này đã gợi hứng cho tôi quyết định viết về vụ “Về Kinh Bắc” với tư cách người trong cuộc, mong góp thêm phần hoàn chỉnh tư liệu về phong trào lịch sử này.
*
Một trang trong tập bản thảo "Về Kinh Bắc"
Vụ án “Về Kinh Bắc” chắc đã được khởi động từ quãng giữa năm 1982, khi anh Nguyễn Mạnh Hùng, TS Kinh tế, GS đại học ở Canada, cũng là nhà văn Việt Nam hải ngoại có bút hiệu Nam Dao, đang làm việc/thăm chơi ở Hà Nội, xin nhà thơ Hoàng Cầm một bản chép tay tập thơ Về Kinh Bắc (VKB)để đem về Canada. Nguyễn Mạnh Hùng được chính quyền Việt Nam coi là “Việt kiều yêu nước”, đã đóng góp tích cực cho phong trào ủng hộ miền Bắc, chống Mỹ và chính quyền miền Nam từ khi còn là sinh viên ở Canada. Sau khi đất nước thống nhất, anh đã nhiều lần về nước, có tham gia tư vấn cho chính phủ về kinh tế. Mặt khác, anh lại quan hệ thân thiết với các nhà văn trong nhóm Nhân văn – Giai phẩm, đặc biệt với nhà thơ Hoàng Cầm mà anh yêu mến.
Việc Hoàng Cầm cho Nguyễn Mạnh Hùng một bản chép tay VKB chẳng có gì cần bí mật, khi chưa hề có văn bản hay chỉ thị miệng của cấp thẩm quyền nói rằng tập thơ bị cấm lưu hành. Vả lại, ở cái quán rượu 43 Lý Quốc Sư mà Hoàng Cầm sống nhờ vào đó từ nhiều năm, lúc nào cũng chật khách trầm ngâm say và âm u khói thuốc, trong đó hầu hết là những người yêu văn nghệ “ngoài luồng”, và không ít “đặc tình” (cộng tác viên, nói nôm na là chỉ điểm của CA), “cá chìm” (tiếng lóng để chỉ trinh sát công an thường phục), thì có gì liên quan đến ông Hoàng “thơ chui” này mà giữ kín được! Nhưng muốn hiểu vì sao có vụ án “Về Kinh Bắc”, phải ngược thời gian lên mười năm trước, khi một số bài trong bản thảo VKB bắt đầu được truyền tay hơi rộng trong giới yêu thơ, trong đó ba bài “Cây tam cúc”, “Lá diêu bông”, “Quả vườn ổi” (thường được gọi là bộ ba cây-lá-quả) được mến mộ nhất – phần quan trọng vì chúng được xì xầm diễn giải như lời oán trách của “em” (văn nghệ sĩ) với “chị” (Đảng), đại khái “em” yêu “chị”, nhưng “chị” đã lừa “em”, cho “em” ăn toàn “quả rụng”, rồi bỏ mặc “em” bơ vơ để đi lấy chồng… Theo Hoàng Cầm kể, thì năm 1974, CA Hà Nội có kêu tác giả lên răn đe về việc lưu truyền những bài thơ “có nội dung xấu” ấy.

Về Kinh Bắc: Châu về Hợp Phố

Nhà thơ, nhà báo Hoàng Hưng, nạn nhân thứ hai trong vụ án liên quan đến tập thơ Về Kinh Bắc, cho biết bản thảo viết tay tập thơ của nhà thơ quá cố Hoàng Cầm, vì nó mà cả hai nhà họ Hoàng đều phải "nằm trại" (không phải là "vòng lao lý" vì hình như cả hai ông chỉ bị bắt và giam giữ chứ không hề bị kết án) đã về lại tay Hoàng Hưng sau 30 năm lưu lạc, 2 cuộc đời lưu lạc của Thúy Kiều.

Theo Diễn Đàn.


Ba mươi năm “Về Kinh Bắc”

by Hoàng Hưng — Cập nhật : 15/08/2012 16:14
Ba mươi năm kể từ buổi chiều oan nghiệt ấy, khi chiếc xe bịt bùng chở mình từ đồn Công an Hàng Bạc về thẳng Hỏa Lò, mở đầu vụ án văn tự có lẽ là kỳ quái nhất trong lịch sử Việt Nam hiện đại

Ba mươi năm “Về Kinh Bắc”


Hoàng Hưng


Ba mươi năm thoắt như giấc mộng. Kể từ buổi chiều oan nghiệt (ngày 17/8/1982) khi chiếc xe bịt bùng chở mình từ đồn Công an Hàng Bạc về thẳng Hỏa Lò, mở đầu vụ án văn tự có lẽ là kỳ quái nhất trong lịch sử Việt Nam hiện đại. Đến hôm nay vẫn không biết nên cười nhiều hơn hay mếu nhiều hơn! (Chi tiết vụ án đã được kể trong bài “Về Kinh Bắc: một vụ án “hậu Nhân Văn” viết nhân dịp kỷ niệm 25 năm ngày ra tù, 2010).
Hôm nay nhắc lại chuyện cũ vì một kỳ duyên mới: Sau 30 năm, thật bất ngờ gặp lại cố tri, “tang vật” chính của vụ án: tập chép tay Về Kinh Bắc mà anh Hoàng Cầm chép tặng, với chữ ký của người can tội “lưu truyền văn hóa phẩm phản động” (tức là tôi) xác nhận trên từng trang. Trang đầu Hoàng Cầm viết bằng chữ đỏ: Chép gửi Hoàng Hưng, cho mai sau của chúng ta. Hànội tháng Tám 1982, với hình vẽ đầu một cô gái đẹp. (Mười hai năm sau, cái “mai sau” ấy thành hiện thực, khi Về Kinh Bắc được xuất bản chính thống, anh Hoàng Cầm vẽ lại bìa tập thơ có hình cô gái y như thế để tặng tôi và một số người thân). Kèm một trang có hình vẽ màu nước ba cái lá (chắc là “lá Diêu Bông”) mà anh Văn Cao vẽ làm bìa tập thơ theo yêu cầu của tôi. Lại thêm cái bìa montage siêu thực mà ông Trần Thiếu Bảo hứng chí làm chơi. Nhưng thiếu những phụ bản mà tôi xin họa sĩ Bùi Xuân Phái vẽ cho, thể hiện các cô gái quan họ quen thuộc của ông. Các cô giờ lưu lạc nơi đâu?

bia2bia



Chẳng biết con đường lòng vòng nào đã đưa “tang vật” này đến tay nạn nhân-chủ nhân của nó sau 30 năm lưu lạc. Còn nhớ 10 năm trước, trong ngày sinh nhật thứ 80 của Hoàng Cầm tại nhà thi sĩ, thiếu tướng Phạm Chuyên, giám đốc CA Hà Nội, đã hứa trước mặt nhiều văn nghệ sĩ là sẽ tìm để trả cho tôi báu vật này. Ít lâu sau ông bắn tin là tìm không thấy. Thì ra nó đã lọt ra ngoài từ bao giờ!

Bị chôn sống


Đây là một phần trong "hồi kỳ" xuất bản miệng của nhà thơ Hoàng Câm, trong vụ án văn tự liên quan đến tập thơ Về Kinh Bắc, theo lời kể của Hoàng Cầm, được Hoàng Hưng, người cùng chịu nạn trong vụ án văn tự này, ghi lại.

Theo Diễn Đàn

Hoàng Cầm ở “xà lim bộ”

by Hoàng Cầm/Hoàng Hưng — Cập nhật : 18/08/2012 13:40

Hoàng Cầm ở “xà lim bộ”


Hoàng Cầm kể, Hoàng Hưng ghi lại


Nhiều năm trước khi anh Hoàng Cầm qua đời, lần nào đến chơi với anh trên cái chuồng cu nhà 43 Lý Quốc Sư tôi cũng giục anh tập trung thời gian kể lại chuyện đời mình cho bạn bè nghe, và từ đó sẽ làm thành một cuốn hồi ký. Kẻo muộn, bạn già như sợi chỉ manh! Anh lười, khất lần, nhưng tôi ép tới, nên cuối cùng anh phải nghe. (Tôi cũng thường giục anh Lê Đạt như thế, nhưng anh cứ bảo: “Chưa đến lúc, tớ còn sống lâu chán!”).Từng đoạn, từng mảnh đời Hoàng Cầm được nhớ lại, kể lại như thế… Rồi cái nào hợp tai “chính thống” thì anh viết ra, cho đăng báo, kiếm tiền đi lại với… nàng tiên. Còn những cái nghịch tai? Thì cứ để đấy, sớm muộn cũng có lúc… Hôm nay, nhân kỷ niệm 30 năm vụ án “Về Kinh Bắc”, tôi xin kể lại một đoạn mà anh đã kể về những ngày ở “xà lim bộ”.

“Thế là lời mấy người CA xét hỏi của HN hứa cho mình về trước Tết (1983) thành ra suông[1]. Ngày 5 Tết mình được lệnh chuyển trại. Ngoài “nội vụ” (tức toàn bộ tư trang của tù nhân, chủ yếu là mấy bộ quần áo cũ – HH), còn cái túi quà Tết bị nhận muộn, trong có cái bánh chưng thiu, miếng giò mỏng cũng thiu, gói kẹo và gói muối vừng đã chảy nước... Anh CA tên H., một con người khá là thâm, vuốt ve: “Lên trại giam của bộ mong anh thành khẩn thêm để sớm được về với gia đình, anh nên tin ở tương lai tốt đẹp”. Anh T. trẻ tuổi, tử tế, dễ mến, thì chạy đi mua “làm quà cho bác” bốn gói thuốc lào.
Thế là xa Hỏa Lò. Sáu tháng ở trong đó bây giờ đi thấy nhớ mới chết chứ! Nhớ những người cùng bị giam, cùng chia ngọt sẻ bùi. Nhất là cậu H.M.T con trai một ông cấp cao bị bố hạ lệnh tống giam cho bớt láo lếu, trong hơn một tháng ở chung buồng giam cậu ấy săn sóc mình rất ân cần. Chính cậu ấy cho mình biết cái tên “xà lim bộ” tức Trung tâm Thẩm vấn của Bộ Nội vụ, nơi “giam cứu” (giam giữ để nghiên cứu? – HH) các can phạm do cấp Bộ xử lý.

Saturday 21 July 2012

Nguyễn Tuân 1985

Đọc bài này của Vương Trí Nhàn, được biết thêm nhiều chi tiết thú vị về con người Nguyễn Tuân.

http://vuongtrinhan.blogspot.com/2012/07/nguyen-tuan-1985.html

Phải nói là ngày chưa xa kia, "các cụ" nhà ta phải sống một đời khá khốn khổ.

Monday 16 July 2012

Nhân văn Giai phẩm - Tổng kết của một sĩ quan an ninh

Lâu nay mình vẫn có ấn tượng xấu về ngành công an, rằng các anh nhìn đâu cũng thấy địch, ở đâu cũng có kẻ thù, hay về cái cách chính quyền sử dụng công an trong nhiều công việc lẽ ra không thuộc chức năng, nhiệm vụ của công an. Tuy nhiên, với Lê Hoài Nguyên (Thái Kế Toại) - một sĩ quan an ninh cao cấp (hình như là đại tá) thì mình phải bỏ thói quen 'vơ đũa cả nắm' này, và bằng lòng với triết lý 'ở đâu cũng có người nọ người kia'.


Nhưng có lẽ không một sĩ quan an ninh nào lại đánh giá như sau về Nhân Văn - Giai Phẩm:

http://www.viet-studies.info/NhanVanGiaiPham_LeHoaiNguyen.htm

Trong phần III. Diễn biến vụ Nhân Văn Giai Phẩm, mục 1. Biên niên sự kiện, Lê Hoài Nguyên đã đưa vào cái timeline /dòng thời gian này các sự kiện ở bên ngoài Việt Nam - như Liên Xô, CHDC Đức, Hungary, hay Trung Quốc, người đọc không đủ thông tin có thể nhầm lẫn Nhân Văn - Giai Phẩm có nguồn cảm hứng từ bên ngoài, nhất là từ phong trào Trăm hoa đua nở ở Trung Quốc và chi tiết Trần Dần đi làm phim ở Trung Quốc (các nhân vật hàng đầu của Nhân Văn - Giai Phẩm như Nguyễn Hữu Đang, Lê Đạt, Trần Dần, Hoàng Cầm cũng như các bài viết đã chỉ rõ không có sự ảnh hưởng này, mà bỏ qua không đề cập đến sự bất đồng trong quá trình làm phim này). Các sự kiện ở bên ngoài nếu có chỉ là tiền đề tạo một không khí cởi mở cho sinh hoạt xã hội bên trong cũng như chỉ dấu để lãnh đạo trong nước phải nới rộng dân chủ hơn trong thời gian tạm thời đó mà thôi. Ngoài ra, bài viết còn đề cập đến việc Nguyễn Hữu Đang, Thụy An và Phùng Cung ra tù năm 1973, nêu trong timeline nên khá vắn tắt, nó không cho thấy được họ ra tù không phải vì hết hạn tù (Phùng Cung là 'tù cải tạo' không có án) hay vì một sự khoan hồng nào, mà là kết quả của việc thực thi Hiệp định Paris (trong đo có điều khoản về thả chính trị phạm). Tuy nhiên, là một sĩ quan an ninh nên Lê Hoài Nguyên đã tiếp cận được một số thông tin chỉ có trong giới cầm quyền, như báo cáo của công an về Nhân Văn Giai Phẩm, hay bức thư của Trần Dần gửi lãnh đạo sau ngày 30.4.1975. Dù sao, cũng phải nhìn nhận cái tâm của người chiến sĩ an ninh Thái Kế Toại, tức Lê Hoài Nguyên đã vì sự thật mà góp phần 'phục hồi' cho các nhân vật, cũng như đã đấu tranh để các tác phẩm văn học, nghệ thuật đúng nghĩa được đến với công chúng. Vì lẽ đó anh đã phải trả giá, nhưng hy vọng với thời đại này thì sự trả giá của anh không quá kéo dài và khắc nghiệt như cách đây hơn 50 năm. Bài viết còn chưa đề cập đến số phận về sau này của Lê Nguyên Chí, một trong 5 người bị kết án tù năm 1959 mà phải tìm trong bài viết sau đây mới được rõ thêm phần nào:
haydanhthoigian.wordpress.com//2010/08/20/nhan-van-–-giai-phẩm-le-nguyen-chi-la-ai/ \

Hòn ngọc Viễn Đông

Lưu lại đây những bức ảnh có trên mạng của một Sài Gòn 'Hòn ngọc Viễn Đông xưa.

http://giaoduc.net.vn/Ban-doc/Anh-mau-cuc-hiem-Sai-Gon-hon-ngoc-Vien-Dong-19671968-P7/189862.gd?i=0