Sunday 26 August 2018

HỒI KÝ TỐNG VĂN CÔNG (57)

Từ theo cộng đến chống cộng (57): Hầu chuyện Trần Xuân Bách



Cuối tháng 9 năm 1989, tôi từ Sài Gòn ra, vừa đến trụ sở báo Lao Động (51 Hàng Bồ, Hà Nội) thì cô Phạm Thị Châu, trưởng phòng hành chính đến gặp. Cô trao tấm danh thiếp của anh Trần Xuân Bách gửi cho tôi và háo hức kể: Xe đỗ trước cơ quan, bác ấy đi vào, nói “tôi xin gặp anh Tống Văn Công”. Em trả lời: “Thưa bác, anh Công về Sài Gòn. Hiện đang có mặt hai phó tổng biên tập là anh Huy Đan và Phạm Văn Nhàn. Bác có thể gặp anh nào ạ?” Bác ấy mở cặp lấy danh thiếp đưa cho em, nói: “Khi nào anh Công ra, đồng chí đưa giùm tôi nhé, nói là tôi đang đợi anh ấy gọi”. Từ lâu tôi đã được ba người bạn có dịp gần gũi anh Trần Xuân Bách là nhà văn Nguyễn Khải gần anh khi còn làm báo quân khu 3 thời chống Pháp, dịch giả Lê Minh Đức gần anh ở ban Dân vận Trung ương và anh Đinh Gia Bảy ủy viên Ban Thư ký Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam từng làm việc dưới quyền của anh Bách lúc giúp bạn ở Campuchia, kể nhiều chuyện về anh Bách, “một người tài đức song toàn”. Tôi cũng được đọc nhiều bài viết của anh, rất hâm mộ, nhưng chưa có dịp gặp, không ngờ tôi lại được anh tìm! Trước khi vào Sài Gòn, tôi đã dự hội nghị nghiên cứu Nghị quyết Trung ương lần thứ 7 (Khóa 6), nên cảm nhận việc anh Trần Xuân Bách đến tìm là điều quan trọng.
Xin nhắc lại một kết luận của Nghị quyết trung ương 7:
Về tình hình thế giới:
Công cuộc cải tổ, cải cách, đổi mới ở một số nước xã hội chủ nghĩa đã thu được những thành tựu nhất định, nhưng ở một số nước gặp khó khăn gay gắt, có nước chủ nghĩa xã hội đang đứng trước thách thức lớn. Lợi dụng tình hình khó khăn trên đây ở một số nước xã hội chủ nghĩa, chủ nghĩa đế quốc, đứng đầu là Mỹ mở cuộc phản kích quyết liệt vào chủ nghĩa xã hội, bằng những thủ đoạn rất xảo quyệt: Răn đe về quân sự; cổ vũ chủ nghĩa đa nguyên chính trị; dùng kinh tế khuyến khích việc cải cách theo hướng phát triển kinh tế tư nhân, thị trường tự do tư bản chủ nghĩa.
Tình hình trong nước:
Những khó khăn về kinh tế và xã hội đã và đang bắt đầu xuất hiện ở nước ta, trong đó đặc biệt nhấn mạnh: các lực lượng bên ngoài đang tập trung đả kích, xuyên tạc Đảng ta không mạnh dạn cải cách chính trị, hạn chế dân chủ, hạn chế tự do báo chí, tự do sáng tác, phê bình.
Trong bốn khuyết điểm dẫn đến tình hình trên, có:”Buông lỏng công tác tư tưởng, thiếu tinh thần chiến đấu chống những tư tưởng, quan điểm lệch lạc, những hành động và lời nói sai trái.
Nghị quyết nhấn mạnh những nguyên tắc của chính sách: Xây dựng và phát huy nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của hệ thống chính trị, không chấp nhận chủ nghĩa đa nguyên chính trị.
Như vậy, anh Trần Xuân Bách đang là nhân vật có “vấn đề”!
Sau khi cô Châu rời khỏi phòng, tôi gọi điện ngay cho anh Trần Xuân Bách. Giọng anh rất vui: “Bảy giờ tối, tôi đợi anh nhé”. Tôi đáp: “Tôi muốn cùng anh Phạm Văn Nhàn phó tổng biên tập đến thăm anh?” Anh Bách rất vui vẻ: “Ồ, càng nhiều anh em càng vui”.
Tôi không muốn một mình đến anh Bách vì đã có kinh nghiệm qua việc nhà văn Nguyên Ngọc gửi bài cho báo, tôi chưa đọc, nhưng cơ quan an ninh đã cử cán bộ đến yêu cầu được đọc trước! Tôi kể chuyện này với phó tổng biên tập Phạm Văn Nhàn (hiện nay, anh Nhàn ở khu nhà tập thể báo Lao Động, quận Cầu Giấy). Anh Nhàn nói: “Anh ấy bảo càng nhiều anh em càng vui, vậy ta rủ thêm Lưu Văn Hân, vì Hân quen thân với bên vợ anh Bách”. Tôi gọi điện rủ, anh Hân rất vui vẻ nhận lời (anh Lưu Văn Hân lúc ấy là Vụ trưởng Vụ báo chí, Bộ Văn hóa Thông tin, anh Trần Hoàn là bộ trưởng).
Ba chúng tôi đến biệt thự của anh Bách trên đường Phan Đình Phùng bằng chiếc u-oat của báo Lao Động do tài xế cựu chiến binh Nguyễn Văn Tiến lái. Có vài người mặc thường phục đứng trên vỉa hè dòm ngó. Tôi bảo với người bảo vệ là chúng tôi được anh Bách hẹn. Anh bảo về gọi điện thoại vào nhà xin ý kiến. Tôi cứ tưởng anh Bách sẽ cho người giúp việc ra đón chúng tôi, không ngờ anh đích thân chạy ra cổng. Tôi nói “chúng tôi đến quá một người!” Anh Bách cười vui “cảm ơn các anh, tôi rất vui!” Anh đưa chúng tôi lên lầu. Chị Bách chờ sẵn, mời chúng tôi ngồi quanh chiếc bàn kê sát tường. Chị pha cà phê, gọt táo và cùng ngồi với chồng tiếp khách. Thấy bên cạnh tấm lịch treo tường có kẹp bài thơ, ký tên Bách Xuân, tôi hỏi đùa: “Muốn xin anh bài thơ này đăng trang văn nghệ của báo?” Anh nhìn chị, cười đáp: “Thơ mình chỉ dành riêng cho một bạn đọc này thôi”. Có lẽ, chị Bách nghĩ rằng mấy ông khách thấy chị quá trẻ so với anh, nên đã vui vẻ kể: “Hồi em mới lấy anh ấy, các bạn cứ trêu, sao lấy ông chồng quá đát vậy? Em trả lời, nhưng tâm hồn anh ấy rất trẻ!” Sau mấy chuyện vui, tôi kể cho anh Bách nghe về lớp nghiên cứu Nghị quyết Trung ương 7 của cán bộ cốt cán toàn quốc trước đây hơn một tuần. Anh Bách nghe rất chăm chú.
Lớp nghiên cứu này do ông Đào Duy Tùng ủy viên Bộ Chính trị phụ trách khối tư tưởng văn hóa thuyết trình. Ông nghe phản ánh ý kiến học viên ở các tổ thảo luận, tổng kết đợt học và giải đáp thắc mắc. Sau khi nghe ông Tùng giảng ở hội trường, ban tổ chức lớp học chia học viên theo ngành công tác vào các tổ thảo luận. Tôi dự thảo luận ở tổ báo chí, gồm các tổng biên tập, báo chí, đài, nhà xuất bản ở trung ương (có lẽ các tổ viên ngày ấy chỉ mỗi nhà thơ Hữu Thỉnh còn có mặt trong guồng máy hiện hành). Tổ trưởng hướng dẫn thảo luận là anh Thái Ninh, phó trưởng Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương (đến Đại hội 7, anh Thái Ninh là trưởng Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương, anh Hữu Thọ phó trưởng ban thường trực). Khi thảo luận câu hỏi “Vì sao Đảng ta không chấp nhận đa nguyên chính trị”, anh Bùi Tín, phó tổng biên tập Báo Nhân Dân xin phát biểu. Bùi Tín cho biết, anh rất lúng túng khi bị nhiều đồng chí đảng viên các đảng bạn ở Phương Tây hỏi vì sao đảng Cộng sản Việt Nam lại không chấp nhận đa nguyên. Theo Bùi Tín, bản chất cuộc sống là đa nguyên, thực tế Việt Nam cũng đang có những yêu tố đa nguyên: bên cạnh đảng Cộng sản có đảng Dân Chủ, đảng Xã Hội; Mặt trận Tổ quốc gồm có nhiều tổ chức Nông dân, Công đoàn, Thanh niên, Phụ nữ… mỗi giới có tờ báo nói tiếng nói của mình. Phải đa nguyên mới thực sự dân chủ. Anh Bùi Tín nói hơn 30 phút. Cả tổ im lặng lắng nghe. Tổ trưởng Thái Ninh ghi ghi chép chép, không tỏ ra sốt ruột. Không ngờ hôm sau, khi tổng kết và trả lời thắc mắc, ông Đào Duy Tùng đã gay gắt phê phán: “Thật đáng chê trách, tại hội nghị này, gồm những cán bộ tuyên huấn cốt cán của Đảng, lại có một đồng chí nồng nhiệt cổ vũ đa nguyên chính trị! Đồng chí đó không biết rằng, đa nguyên là luận điệu mị dân của các chính trị gia tư sản? Bọn chúng gồm những tập đoàn tài phiệt, cần có đa nguyên để cạnh tranh với nhau. Giai cấp công nhân có sứ mệnh độc quyền lãnh đạo cách mạng, chỉ cần liên minh chiến lược với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức cách mạng. Chủ nghĩa xã hội thực hiện tập trung dân chủ, phải chống đa nguyên. Hôm nay đòi đa nguyên, rồi ngày mai sẽ đòi đa đảng, phải không?”
Anh Bách trầm ngâm, rồi nói: “chúng ta đã thực hiện đa nguyên kinh tế, vậy phải thực hiện đa nguyên chính trị, bước tới bằng hai chân mới cân bằng, không bị vấp váp”. Anh hỏi thêm về Bùi Tín, nhưng tôi chỉ gặp anh Bùi Tín hai lần mà cả hai lần đều cùng là khách được mời ăn cơm. Lần đầu tháng năm 1975, ở Sài Gòn anh Phước Sanh cán bộ báo Quân đội Nhân dân mời dự bữa cơm có sếp của anh là phó tổng biên tập Bùi Tín; lần thứ hai ở Hà Nội, nhà thơ Hải Như mời Bùi Tín, bác sĩ Vân (B) và tôi, chỉ ít lâu trước khi anh Bùi Tín đi họp báo Nhân đạo và ở lại Pháp. Lúc ông Đào Duy Tùng chì chiết anh Bùi Tín, tôi ngồi ở hàng ghế ngay sau lưng anh.
Hơn 10 giờ khuya, anh Bách tiễn chúng tôi ra tận cổng. Trước khi chia tay, tôi đề nghị: bất cứ lúc nào, anh rảnh, tôi xin mời anh đến nơi tôi ở, số 14 Trần Bình Trọng, đối diện với Bộ Công an. Tôi muốn được anh giải đáp cho một số câu hỏi. Và tôi gợi ý: Anh nên cho dừng xe ở Nguyễn Du, rồi đi bộ vào cổng, tôi sẽ đón bên trong. Kể ra cũng buồn cười, đón ông ủy viên Bộ Chính trị mà phải lén lút như quan hệ với kẻ gian! Hồi đó, tôi vẫn nghĩ nơi ở của mình kín đáo lắm, nên đã từng tiếp đón nhiều bạn bè có lý lịch mà phía an ninh coi là không được trong sáng như Nguyễn Kiến Giang, Lê Đạt, Dương Tường, Phạm Thị Hoài… mãi sau này, tôi mới biết là mọi việc xảy ra ở báo Lao Động đều có trong hồ sơ của cơ quan an ninh! Biết đâu chuyện tôi sắp kể ra đây cũng không phải là ngoại lệ!
Chỉ vài hôm sau, anh Bách hẹn đến, từ hôm đó tôi may mắn được hầu chuyện anh. Tôi đã đặt những câu hỏi với tư cách một nhà báo mong muốn tìm thấy lộ trình đi tới tự do dân chủ cho dân tộc. Rất tiếc vì nhiều lý do, ý kiến tâm huyết của anh, một nhà cách mạng, một trí thức lớn nhất của đảng Cộng sản Việt Nam mà tôi ghi chép nhiều buổi, đã không thể phổ biến đúng lúc. Lý do là vì nền “báo chí nói tiếng nói của Đảng” không cho phép, nhưng lý do chính mà tôi phải nhận là bởi sự hèn kém của mình. Phần hồi ức này, tôi xin ghi lại một số câu hỏi và giải đáp của anh không chỉ có ý nghĩa lịch sử, mà nó vẫn đang còn nguyên giá trị thời sự trong tình hình hiểm nghèo của đất nước trước họa ngoại xâm, và nội xâm, đang rất cần dân chủ hóa để tăng nội lực của dân tộc. Và đây cũng là món nợ ân tình đối với anh, nhiều năm nay lòng tôi luôn bứt rứt.
Hỏi: Tháng 6 năm 1988, Nghị quyết Trung ương 5 cho rằng khuyết điểm nghiêm trọng nhất trong công tác xây dựng Đảng là “vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ”. Nghị quyết cho rằng “mở rộng dân chủ, đi đôi với tăng cường kỷ luật”, và phải “chống những mưu đồ lợi dụng dân chủ và công khai để chống lại sự nghiệp của Đảng và nhân dân”. Đến tháng ba năm 1989, Nghị quyết Trung ương 6 nhắc lại phải “mở rộng dân chủ, dân chủ phải đi đôi với tập trung, với kỷ luật”. Tháng tám năm 1989, Nghị quyết Trung ương 7 kết luận: “Xây dựng và phát huy nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của hệ thống chính trị, không chấp nhận chủ nghĩa đa nguyên chính trị”.
Những kết luận nói trên, cho thấy “dân chủ” như một khái niệm rất mơ hồ, có thể thu hẹp lại, hoặc mở rộng ra. Nhưng mở rộng ra thì phải kèm với “tập trung”, với “kỷ luật”, nếu không thì sẽ xảy ra tình trạng vô chính phủ, hoặc bị bọn phản động có “mưu đồ lợi dụng dân chủ, công khai, chống lại sự nghiệp của Đảng và nhân dân?”
Đáp: Dân chủ không hề có chỗ cho thứ tự do vô chính phủ nảy nở. Chế độ dân chủ thiết lập trên cơ sở một bản hiến pháp được xây dựng từ ý chí tự do của nhân dân lựa chọn hệ thống chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa. Hiến pháp quy định thể thức bảo đảm tổng tuyển cử tự do, không phân biệt khuynh hướng chính trị, quy định cách thức hoạt động của nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân, bảo đảm các quyền tự do của con người và sự bình đẳng của mọi công dân trước pháp luật. Chủ tịch Hồ Chí Minh mở đầu tuyên ngôn độc lập nước ta, đã nhắc lại tuyên ngôn độc lập Hoa Kỳ và tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Pháp, nói đến các quyền tự do của con người mà tạo hóa cho họ. Dân chủ là thể chế hóa các quyền tự do ấy. Cho nên dân chủ là quyền lực của dân, với tư cách là con người tự do. Dân chủ không phải do lòng tốt của những người lãnh đạo muốn bạn ơn cho dân, thấy thuận lợi thì mở rộng, thấy bất tiện thì thu hẹp.
Đại hội 6 kết luận lấy “dân làm gốc”. Dân chủ sẽ khởi động trí tuệ toàn dân tộc, “gốc” sẽ ngày càng vững mạnh, ngăn chặn quan liêu, tham nhũng, vô trách nhiệm. Chế độ dân chủ không có chỗ cho những ai muốn lợi dụng, bè phái. Chỉ có chế độ độc đoán, quan liêu, khép kín mới là rất tốt cho những kẻ xấu làm dụng quyền lực làm những điều phi pháp.
Hỏi: Chế độ dân chủ như vừa miêu tả ở trên có trái với “nền dân chủ xã hội chủ nghĩa” mà Nghị quyết Trung ương 7 kêu gọi xây dựng và phát huy?
Đáp: Chúng ta đã chọn mô hình giáo điều, lai ghép chủ nghĩa xã hội Stalin với chủ nghĩa xã hội Mao Trạch Đông. Liên Xô và các nước Đông Âu đang lâm vào khủng hoảng bởi mô hình Stalin, vi phạm dân chủ, duy ý chí, quan liêu, đặc quyền, đặc lợi. Thế giới xã hội chủ nghĩa phải cải tổ, đổi mới, giải quyết những mâu thuẫn, phá vỡ cái cũ, đạt tới các tiêu chí của thời đại là: dân chủ, khoa học, nhân đạo, hiện đại. Xu thế chủ yếu là chuyển sang sở hữu tư nhân, kinh tế hàng hóa, nhà nước pháp quyền, xã hội dân sự.
Chúng ta đã đổi mới kinh tế, thực hiện sở hữu tư nhân, kinh tế thị trường. Đã đến lúc phải đổi mới chính trị, dân chủ hóa xã hội, từng bước thực hiện mục tiêu của chủ nghĩa xã hội mà Marx và Engels đã đề ra trong tuyên ngôn Cộng sản: sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người.
Không đổi mới chính trị nhịp nhàng với đổi mới kinh tế thì đến một lúc nào đó sự phát triển kinh tế cũng sẽ bị chựng lại, bởi những rào cản quan liêu, tham nhũng, hạn chế sáng kiến. Đổi mới kinh tế là thực hiện đa nguyên kinh tế, kinh tế nhiều thành phần sẽ làm cho xã hội có sự phân tầng, mỗi giai tầng có quyền lợi, nguyện vọng khác nhau, từ đó nảy sinh đa nguyên chính trị. Đổi mới chính trị là từng bước chấp nhận đa nguyên chính trị song song với đa nguyên kinh tế, đúng như Marx, Engels: “Trong mỗi thời đại lịch sử, sản xuất kinh tế và cơ cấu xã hội – cơ cấu này tất yếu phải do sản xuất kinh tế mà ra – cả hai cái đó cấu thành cơ sở của lịch sử chính trị và lịch sử tư tưởng của ấy”. (Lời tựa cho tuyên ngôn của đảng Cộng sản bản tiếng Đức, 28-6-1883).
Từ một xã hội khép kín, một quốc gia đóng cửa, chúng ta khởi xướng đổi mới, mở cửa, làm bạn với tất cả các nước. Vậy thì trong nước cũng phải là một xã hội mở, chấp nhận tự do báo chí, tự do ngôn luận, nhiều tiếng nói có quan điểm khác biệt đối thoại, thương thảo, quyết định thuộc về đa số, nhưng thiểu số được tôn trọng và bảo vệ. Nhà nước bảo đảm thực hiện đầy đủ các quyền con người và quyền công dân theo hiến pháp, không được ban hành luật lệ vi hiến để hạn chế các quyền ấy. Đảng lãnh đạo, cầm quyền, nhưng quyền lực thuộc về nhân dân. Do đó, đảng phải nằm trong chứ không nằm ngoài và không được đứng trên xã hội.
Hỏi: Chúng ta có sợ đa nguyên chính trị sẽ làm suy yếu đảng Cộng sản Việt Nam và cuối cùng là mất quyền lãnh đạo? Bởi vì chấp nhận đa nguyên chính trị thì phải thực hiện các quyền tự do, trong đó có quyền lập hội, từ đó xuất hiện đảng đối lập có cương lĩnh cạnh tranh với đảng Cộng sản?
Đáp: Đó chính là sự ngộ nhận của những ai có thói quen độc quyền chân lý, theo chủ nghĩa giáo điều. Xu thế thời đại là tự do, dân chủ. Cách mạng khoa học kỹ thuật, bùng nổ thông tin, giao lưu quốc tế làm cho xu thế đó chuyển động rất nhanh chóng và có tính dây chuyền. Không ai có thể bưng bít thông tin, ngoảnh mặt trước đòi hỏi của nhân dân, ngăn chặn sự vận động tất yếu của cuộc sống. Bản chất của cuộc sống là đa nguyên. Đổi mới chính là thuận theo bản chất cuộc sống xã hội vốn mang tính đa nguyên cả về kinh tế, chính trị, văn hóa. Trên kia đã nói, đảng nằm trong chứ không nằm ngoài và đứng trên xã hội, có nghĩa là thế nào? Đổi mới chính trị, trước hết Đảng phải tự đổi mới mình, phải trở thành đảng dân tộc, kết tinh truyền thống dân tộc và trí tuệ thời đại. Đảng phải thực hiện dân chủ mạnh mẽ từ trên xuống dưới, từ Bộ Chính trị trở đi.
Đảng không bao biện lấn sân làm thay nhà nước, không duy trì chế độ đảng trị, toàn trị. Nhà nước là công cụ của dân. Nhà nước quản lý theo luật và bằng chính sách chứ không làm thay doanh nghiệp. Kế hoạch nhà nước nằm trong chứ không nằm ngoài và đứng trên thị trường. Ngược lại, nếu duy trì tình trạng như hiện nay thì không phải làm cho Đảng, cho nhà nước vững mạnh mà là tạo môi trường xã hội dung dưỡng độc đoán, lạm quyền, tham nhũng làm thoái hóa Đảng và mục ruỗng Nhà nước.
Kinh tế thị trường đòi hỏi phải có nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự. Trong hệ tư tưởng Đức, Marx và Engels cho rằng “hình thức thương mại, bởi lực lượng sản xuất đang có quyết định ở một giai đoạn lịch sử và trở lại quyết định lực lượng sản xuất, đó là xã hội dân sự” và “xã hội dân sự bao gồm toàn bộ thương mại vật chất của các cá nhân ở một giai đoạn phát triển nhất định của lực lượng sản xuất”. Hai ông cho rằng, xã hội dân sự tồn tại ở mọi thời đại với tư cách tổ chức xã hội trực tiếp bắt nguồn từ sản xuất và thương mại, đồng thời tạo thành nền tảng của nhà nước và mọi kiến trúc thượng tầng tinh thần khác. Các chế độ độc tài, phát xít Hitler, Mussolini thực hiện chế độ toàn trị xóa bỏ xã hội dân sự đã bị thất bại. Mô hình xô viết Stalin cũng xóa bỏ xã hội dân sự là nguyên nhân đưa tới quan liêu hóa, khủng hoảng xã hội. Tình trạng đó chúng ta phải khắc phục. Nhiều năm qua các đoàn thể quần chúng đều bị chính trị hóa, hành chính hóa, không đại diện quyền lợi cho đoàn viên, hội viên, hạn chế sáng kiến của họ, quan trọng hơn là chỉ tiêu sự góp ý thẳng thắn của họ đối với đường lối của Đảng, chính sách của nhà nước. Thực hiện quyền tự do lập các hội, đoàn, các câu lạc bộ, hoạt động theo hướng ích nước lợi nhà, tương thân, tương ái, tự trang trải về tài chính, đó chẳng những đáp ứng nguyện vọng chính đáng của quần chúng mà còn khôi phục xã hội dân sự, góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền, làm lành mạnh kinh tế thị trường.
Trong môi trường dân chủ, thượng tôn pháp luật, đảng Cộng sản Việt Nam, cũng như mọi tổ chức và cá nhân có điều kiện để phát triển lành mạnh. Đảng Cộng sản Việt Nam có một quá trình lịch sử lãnh đạo cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, khởi xướng đổi mới, nay lại mạnh mẽ tự đổi mới mình để trở thành đảng của dân tộc, không dùng quyền lực thay cho năng lực, trí tuệ. Dân chủ đưa Đảng vào lòng dân tộc. Liệu có đảng đối lập nào đưa ra cương lĩnh trái với lợi ích dân tộc mà giành được lòng dân đối với đảng Cộng sản? Chỉ có làm ngược lại, không chịu đổi mới chính trị, cố giữ thể chế độc quyền, trong khi xã hội đã chuyển sang đa nguyên về kinh tế, đa nguyên thành phần xã hội, tài nguyên tư tưởng, văn hóa thì như vậy không khác nào đặt bản trong tình thế của một cây cổ thụ đứng đơn độc trước bão tố!
Hỏi: Có nên duy trì các chỉ đạo báo chí của Ban Tư tưởng Văn hóa trung ương như hiện nay? Thực dân Pháp đã từng chấp nhận quyền tự do báo chí đối với nhân dân nước Việt Nam thuộc địa. Chế độ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có hai lần thực hiện tự do báo chí, lần đầu tiên sau Cách mạng Tháng Tám cho đến toàn quốc kháng chiến, lần thứ hai sau 30 tháng tư 1975 với báo tư nhân Tin Sáng cho đến tháng 6 năm 1981. Cả hai lần ấy, báo chí tư nhân đều có những đóng góp rất tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Đổi mới chính trị, phải chăng đã đến lúc chuyển tự do báo chí tự quyền “tự do của tập thể” sang “quyền tự do của mỗi người” như Marx, Engels nói, như Nguyễn Ái Quốc đòi hỏi? Trong sách “Đây công lý của thực dân Pháp ở Đông Dương”, Nguyễn Ái Quốc viết: “Tôi gọi báo tức là một tờ báo về chính trị, về kinh tế thì văn học như chúng ta đã thấy ở châu Âu và các nước châu Á khác, chứ không phải một tờ báo do chính quyền lập ra”. Tại sao chúng ta không thực hiện ước nguyện của Hồ Chí Minh từ năm 1919 về quyền tự do báo chí trong bản yêu sách gửi hội nghị Hòa Bình Versailles?
Đáp: Ngày 24 tháng 9 năm 1982, Việt Nam đã ký kết gia nhập Công ước về các quyền dân sự và chính trị. Công ước này có quy định quyền tự do ngôn luận: mọi người có quyền giữ quan điểm của mình mà không bị ai can thiệp; được tự do ngôn luận bao gồm tìm kiếm, nhận và truyền đạt mọi loại tin tức, ý kiến bằng các hình thức tuyên truyền miệng, viết ra, in, tự do sáng tạo các hình thức nghệ thuật, hoặc thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.
Công ước đòi hỏi các quốc gia thành viên cam kết không hạn chế hoặc hủy bỏ những quyền tự do tính phổ biến của nhân loại đã được quy định ở đây. Nhà nước ta sẽ phải sớm sửa đổi luật báo chí, luật lập hội, thực hiện tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do lập hội như các quốc gia dân chủ trên thế giới.
Cuối năm 1989 anh Trần Xuân Bách có bài phát biểu “Chủ nghĩa xã hội thật sự là gì?” Nội dung bài ấy tương tự những điều anh trả lời trên đây. Nhiều người cho rằng anh Trần Xuân Bách chưa bao giờ nói đến “đa đảng”. Thật ra chấp nhận đa nguyên chính trị tức là chấp nhận sự có mặt của các tầng lớp, các nhóm có lợi ích khác nhau, có quan điểm chính trị khác nhau, cùng tồn tại, hợp tác và đấu tranh. Chấp nhận đa nguyên chính trị tức là đã chấp nhận đa đảng sẽ diễn ra ngày sau đó.
Dịp tết 1990, vài tháng trước khi bị kỷ luật ra khỏi Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng, anh Trần Xuân Bách có sáng tác bài thơ sau đây.
Bài thơ khai bút 1990
Ngày xuân nhớ cụ Tú Xương,
Cố nhân chính trực, đồng hương nghĩa tình.
Lẳng lặng mà nghe tiếng nói dân.
Lấy dân làm gốc phải nghe dân.
Trí khôn thiên hạ không hề thiếu.
Chỉ sợ người ngu thích kẻ đần.
Nhà thơ Hải Như đề nghị thay chữ “mình” cho chữ “người” ở câu cuối. Anh Bách tiếp thu nhưng bảo, lấy làm tiếc vì đã phổ biến cho nhiều bạn bè.
Chiều thứ 5, ngày 22 tháng 3 năm 1990, anh Bách gọi điện bảo tôi, 7 giờ tối đến nhà anh, có chuyện rất cần biết. Cả ba anh em, Lưu Văn Hân, Phạm Văn Nhàn và tôi cùng đến. Trên lề đường trước nhà anh có nhiều người mặc thường phục đứng trên vỉa hè săm soi số xe. Anh Bách vẫn ra tận cổng đón chúng tôi. Chị Thịnh vẫn vui vẻ pha cà phê, gọt táo mời bạn bè. Anh Bách kể chuyện Hội nghị Trung ương lần thứ 8 khai mạc từ ngày 12-3. Anh đã bị phê phán rất dữ dội. Anh cho rằng, mình chắc chắn sẽ bị đưa ra khỏi Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương, thậm chí có ý kiến đòi khai trừ anh ra khỏi Đảng. Tôi tỏ ý băn khoăn, chẳng lẽ lại có thể xảy ra điều tồi tệ đến mức ấy, hoàn toàn trái với tinh thần đổi mới, nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật của Đại hội 6? Anh Bách kể: “Một đồng chí trong Bộ Chính trị cho rằng, việc làm của đồng chí Trần Xuân Bách đã khiến cho đồng chí, bạn bè lo âu, còn kẻ thù thì vô cùng mừng rỡ”. Một người đã bị nhận xét tới mức đó thì làm sao có thể coi trong Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương?” Anh Bách cho biết nhận xét đó không phải là ý kiến cá biệt, quan trọng hơn, đó là quan điểm của tổng bí thư Nguyễn Văn Linh. Chỉ có hai ủy viên bộ chính trị, Nguyễn Cơ Thạch và Võ Văn Kiệt cho rằng, từ quan điểm “lấy dân làm gốc”, anh Bách muốn công cuộc đổi mới phải “đi hai chân” để đất nước phát triển và đảng vững mạnh.
Hôm ấy, chia tay anh chị, chúng tôi buồn rười rượi, dù anh động viên: “Cho dù sắp tới sự nghiệp đổi mới có bị khó khăn hơn. Tuy nhiên cái gì thuộc về quy luật, xu thế thì nó vẫn cứ đi tới, dù có chậm”.
Ngày 27-3-1990 Hội nghị Trung ương lần thứ 8, khóa 6, thông qua nghị quyết có những nội dung quan trọng như sau:
… Nghị quyết đã chỉ ra tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng các nước xã hội chủ nghĩa đối với nước ta, trước hết là về các mặt chính trị, tư tưởng: một số người hoài nghi chủ nghĩa xã hội, giảm lòng tin đối với Đảng và nhà nước, một số cán bộ, đảng viên tiếp nhận những tư tưởng, quan điểm sai lầm về cải tổ, cải cách của nước ngoài một cách máy móc, giáo điều; một số ít phần tử cơ hội bất mãn đang đẩy mạnh hoạt động chống lại sự lãnh đạo của đảng, đòi đa nguyên chính trị, đa đảng, đòi dân chủ không giới hạn.
Hội nghị nhận định: đế quốc Mỹ và các thế lực thù địch đang còn nước ta là một trọng điểm chống phá, ráo riết thực hiện âm mưu diễn biến hòa bình bằng những thủ đoạn kinh tế, chính trị, tư tưởng, văn hóa và quân sự rất thâm độc. Cuộc đấu tranh giai cấp giữa cách mạng và phản cách mạng, giữa hai con đường chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản, giữa ta và địch trên phạm vi thế giới, ở nước ta và ba nước Đông Dương đang diễn ra gay gắt, quyết liệt và phức tạp.
Việc Bộ Chính trị và ban bí thư tự phê bình và Trung ương góp ý kiến phê bình Bộ Chính trị, ban bí thư được tiến hành một cách nghiêm túc, dân chủ, thẳng thắn, chân thành và thân ái, với tinh thần trách nhiệm và xây dựng, đã góp phần tăng cường sự đoàn kết nhất trí trong trung ương.
Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương khóa 6 đã quyết định cách chức ủy viên Bộ Chính trị, bí thư trung ương, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng đối với đồng chí Trần Xuân Bách vì đã vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tổ chức và kỷ luật của Đảng, gây ra nhiều hậu quả xấu.”
Sau khi anh Bách bị cách chức, bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch xin nhận anh về làm cán bộ nghiên cứu của Bộ Ngoại giao. Nhưng lúc này chính cái ghế của Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch cũng đang lung lay. Cũng như Trần Xuân Bách, Nguyễn Cơ Thạch hiểu rất rõ nguyên nhân suy sụp của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu là thiếu dân chủ, vi phạm nhân quyền, trái với xu thế thời đại. Nguyễn Cơ Thạch có quan điểm, về đối nội, dân chủ hóa xã hội, đối ngoại cần mau chóng quan hệ bình thường với Hoa Kỳ và thế giới dân chủ. Trong khi đó, tổng bí thư Nguyễn Văn Linh và nhiều người trong Bộ Chính trị cho rằng phe xã hội chủ nghĩa suy sụp là do các thế lực thù địch đứng đầu là đế quốc Mỹ âm mưu phá hoại. Do đó, để bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ Đảng phải cầu hòa với Trung Quốc. Trung Quốc dù có tư tưởng bành trướng thì cũng vẫn là một nước xã hội chủ nghĩa anh em. Để lấy lòng Bắc Kinh, Bộ Chính trị đứng đầu là tổng bí thư Nguyễn Văn Linh loại bỏ Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch một cách vô nguyên tắc, không cho tham gia đoàn cấp cao đi Hội nghị Thành đô. Sau khi Nguyễn Cơ Thạch bị loại, anh Bách cũng xin nghỉ việc.
Anh Trần Xuân Bách bị kỉ luật ít lâu thì phó tổng biên tập Bùi Tín của báo Nhân Dân nhân được cử đi dự họp báo Nhân Đạo, đã trả lời phỏng vấn đài BBC về dân chủ hóa, bị báo Nhân Dân thi hành kỉ luật, và xin tị nạn chính trị tại Pháp.
Sau 20 năm nhìn lại, thực tế diễn ra trên thế giới và trong nước đã cho thấy ý kiến Trần Xuân Bách lòng hoàn toàn chính xác.
Tình hình thế giới:
Do duy trì quá lâu mô hình xô viết cho đến ngày sụp đổ đã khiến cho nhân dân các nước Nga và Đông Âu cạn niềm tin đối với các đảng Cộng sản và cánh tả. Ở liên bang Nga, suốt 20 năm qua, thời hậu Liên Xô, đảng Cộng sản, tổng bí thư G. Zyuganov chỉ nhận được tối đa khoảng 20% số phiếu trong các cuộc bầu cử. Trong khi đó, Đảng Nhân dân Campuchia thì chấp nhận “cuộc chơi” đa đảng đã bị lép vé, nhưng nhờ giương cao ngọn cờ dân tộc, nay đã giành được thế thượng phong trên chiến trường đất nước. Hiện nay, đợt sóng dân chủ lần thứ tư đang cuồn cuộn, nước Miến Điện gần sát Việt Nam đã chuyển từ quân phiệt sang dân chủ.
Sau 20 năm tái lập quan hệ đồng chí, trên cơ sở “16 chữ vàng” và “4 tốt” với Trung Quốc, ta càng ngày càng bị họ dồn ép: thành lập thành phố Tam Sa bao gồm Hoàng Sa, Trường Sa; mời thầu dầu khí ngay trên vùng đặc quyền kinh tế của ta; xua hàng vạn tàu cá, tàu vũ trang vào vùng biển Trường Sa; đòi “lấy máu người Việt làm lễ tế cờ trong trận chiến Nam Sa!”
Kỷ niệm 10 năm hiệp định thương mại song phương Việt Nam – Hoa Kỳ (BTA), chính phủ Việt Nam tuyên bố: Việt Nam nhất quán chủ trương sẵn sàng cùng Hoa Kỳ nỗ lực đưa quan hệ hai nước Việt Mỹ lên tầm cao mới. Ngày 2 tháng 8 năm 2012 Thượng viện Hoa Kỳ thông qua nghị quyết ủng hộ vai trò ASEAN trong vấn đề biển Đông, ủng hộ tuyên bố DOC năm 2002 giữa ASEAN – Trung Quốc. Hiện nay, Việt Nam đang tích cực đóng góp vòng đàm phán thứ 13 hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Tình hình trong nước:
Nghị quyết trung ương 4 (khóa 11) nhận định “tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp”. Tham nhũng đã từ vài “con sâu” trở thành cả “bầy sâu”. Sự khiếu kiện đất đai dai dẳng bởi nạn cướp đất, đẩy nông dân tới bước phản ứng bằng bạo lực. Đội quân chủ lực của cách mạng giải phóng dân tộc đã nảy sinh cựu chiến binh Đoàn Văn Vươn làm bom tự tạo chống cưỡng chế phi pháp. Một trăm hộ dân Văn Giang đương đầu với 1000 cảnh sát vũ trang. Giai cấp công nhân được mệnh danh là giai cấp lãnh đạo, có đến 30 % số người bị suy dinh dưỡng. Họ đã tổ chức hơn 5000 cuộc đình công đòi tiền lương, cải thiện bữa ăn, nhiều cuộc huy động từ 5.000 đến 10.000 người, nhưng vẫn bị coi là bất hợp pháp, vì không được sự chỉ đạo của công đoàn! Trí thức bị cấm phản biện bằng Nghị định 97 của thủ tướng. So sánh tư thế của nhà nước Việt Nam với nhà nước Philippines, Hàn Quốc, Nhật Bản trong cuộc đấu tranh chống Trung Quốc xâm phạm chủ quyền, người Việt không khỏi hổ thẹn. Mỹ sẵn sàng giúp Philippines bảo vệ chủ quyền, trong khi đó đòi hỏi Việt Nam phải thực hiện dân chủ, nhân quyền làm điều kiện “thế chấp”!
Nghĩ về vận nước, không khỏi chua xót nhớ Trần Xuân Bách! Nguyện vọng khoán hộ của Kim Ngọc tuy đã thành hiện thực, từng đưa Việt Nam vào hàng nước xuất khẩu lương thực lớn thứ hai thế giới. Nhưng cho đến nay, giấc mơ về quyền sở hữu ruộng cày và cuộc sống no đủ với hạt gạo do mình làm ra của người dân vẫn còn xa ngái! Bao giờ tư tưởng Trần Xuân Bách trở thành hiện thực trong cuộc sống dân tộc?
Ngày 20-5-2002 tại nhà anh Trần Xuân Bách ở (Trung Tự) Hà Nội, nhà thơ Hải Như đã viết bài thơ tặng anh:
Trần Xuân Bách
Chắc chắn lịch sử sau này sẽ dành một trang về anh,
– khách quan phán xử
Tôi chỉ xin lưu ý nhỏ mai đời:
Cái Trần Xuân Bách mất rõ rồi, nhưng còn cái được,
Tuyệt vời sao!
Chia sẻ tiếng sét giáng xuống đời anh,
Có một người đàn bà nguyện làm ngọn thu lôi vượt qua giông bão.
(Chúng ta từng sống một thời vô luân để hai chữ “liên quan” đè lên cơm áo).
Trần Xuân Bách. Anh là nạn nhân và cũng là tác giả tội ác.
Đúng không nào?
Trên chục năm dài lê thê con chim bằng gậm nhấm nỗi cô đơn
Tâm hồn vẫn sáng trong không rũ buồn vì khép cánh…
Câu “chúng ta từng sống một thời vô luân để hai chữ ‘liên quan’ đè lên cơm áo” tôi cảm thấy như chỉ trích riêng mình!
Sau khi anh Trần Xuân Bách bị kỷ luật, tôi còn tiếp tục làm Tổng biên tập báo Lao Động ba năm nữa, nhưng không đến thăm anh một lần nào! Tôi tự bào chữa: vì thời gian này tôi phải liên tục đối phó với quá nhiều áp lực, chống đỡ cho tờ báo. Vì tôi đặt tòa soạn báo Lao Động ở Sài Gòn; gia đình, vợ con tôi cũng ở Sài Gòn, cho nên thời gian tôi có mặt ở Hà Nội rất eo hẹp. Nhưng mọi lý do vẫn không đủ để cho tôi có thể từ chối cho mình một chữ “Hèn”! Anh Hải Như an ủi: “Mình biết, rất nhiều anh nhờ anh Bách mà leo lên ‘quyền cao chức trọng’, nhưng sau khi anh bị kỷ luật, suốt bao năm có anh nào dám đến thăm ông thầy cũ của họ đâu!”
Cũng đừng trách họ hèn, bởi chúng ta phải sống ‘một thời vô luân’ mà!”
Ngày anh Bách qua đời (1-1-2006), nhà thơ Hải Như viết bài “Vĩnh biệt người bạn cùng quê”, có câu này:
“Ngày anh đi xa, trên báo Nhân Dân, bạn đọc thấy những gì thuộc về anh đều được trả lại”
Tôi nghĩ, Trần Xuân Bách không hiểu rõ cụ Hồ bằng Nguyễn Văn Linh. Ai thân cận với cụ Hồ hơn Vũ Đình Huỳnh? Vậy mà Vũ Đình Huỳnh không đòi hỏi “đa nguyên” như Trần Xuân Bách, vậy mà vẫn bị đi tù! Nhà thơ Hải Như cũng đã không chính xác khi vội mừng “những gì thuộc về anh đều được trả lại”! Cho dù điếu văn có nhắc lại tất cả công lao của Trần Xuân Bách, cho dù đã kể ra đủ các loại huân chương mà anh đã được trao tặng, cho dù cuối cùng, anh đã được nằm trong nghĩa trang Mai Dịch, nơi chỉ dành riêng cho các vị đại công thần của chế độ nhưng tư tưởng cao cả mà Trần Xuân Bách hằng tâm nguyện và dám hiến mình, đâu đã được trả lại?!

HỒI KÝ TỐNG VĂN CÔNG (56)

Từ theo cộng đến chống cộng (56): Từ một bài báo nhỏ

Hôm đó, tôi đang dự họp ở Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thì có điện của anh Trần Đức Chính, trưởng ban văn hóa văn nghệ báo Lao Động gọi (anh Trần Đức Chính sau này là tổng biên tập báo Nhà Báo Và Công Luận, là cây bút Lý Sinh Sự nổi tiếng hiện nay). Anh cho biết: “Có anh Đỗ Văn Phú, sĩ quan của A.25 tới tòa báo, yêu cầu cho xem bài viết của nhà văn Nguyên Ngọc đã gửi đăng báo. Tôi định trả lời là tôi không có quyền cho anh ấy đọc, bởi vì tổng biên tập chưa đọc. Nhưng nghĩ lại, chuyện này để tổng biên tập quyết định mới đúng. Vậy ý anh thế nào?” Tôi hỏi, bài viết về vấn đề gì vậy? Anh Chính đáp: “đổi mới ở một vùng đồng bằng sông Cửu Long. Nói chung là một bài vui vẻ, không có gì gây cấn”. Tôi nói: “Theo mình thì người ta đã biết và đòi được xem, nếu mình không cho xem, họ sẽ nghi ngờ, rồi suy đoán lung tung, quan hệ hai bên căng thẳng vô ích! Cứ cho họ xem đi, Chính ạ! Chuyện phải quấy rồi sẽ có dịp bàn bạc lại với nhau! Coi như mình cho họ treo một món nợ, sẽ có dịp đòi”. Anh Trần Đức Chính có vẻ miễn cưỡng: “Tùy anh. Vậy thì tôi lấy bài cho họ xem”. Tôi đã khuyên anh Chính cho cán bộ A.25 xem bài, nhưng thực bụng tôi rất băn khoăn: Vì sao bên công an lại có cách hành xử thiếu tôn trọng đối với tổng biên tập một tờ báo đến như vậy? Chẳng lẽ, các anh ấy cho rằng tôi không biết đánh giá một bài báo tốt hoặc có hại? Chẳng lẽ một người như nhà văn Nguyên Ngọc, đã bao lần vào sinh ra tử suốt hai cuộc kháng chiến vẫn có thể bị nghi ngờ cố ý gây mất an ninh chính trị?
Tôi ra nhận công tác ở báo Lao Động tháng12 năm 1988, lúc ấy đang ồn ào vụ anh Nguyên Ngọc bị buộc “thôi giữ chức tổng biên tập báo Văn Nghệ để nhận công tác khác” bởi một quyết định của ban thường vụ Hội Nhà Văn. Dư luận gọi đó là “một quyết định cách chức trá hình”. Không chỉ giới cầm bút mà bạn đọc cả nước đều phản ứng bởi lòng yêu quý nhà văn có tài, có tâm và tư tưởng tiến bộ. Nhiều tờ báo phản ánh ý kiến không đồng tình với ban thư ký Hội Nhà Văn. Để chống đỡ búa rìu dư luận, hai ông Nguyễn Đình Thi và Chính Hữu thay mặt Ban Thường vụ Hội Nhà Văn gặp gỡ tổng biên tập các báo chí, đài phát thanh, truyền hình để trình bày nội dung nghị quyết Ban Chấp hành Hội Nhà Văn với nhận định: vừa qua, tuần báo Văn Nghệ đã có một số đóng góp tích cực trong công tác đổi mới, xong bên cạnh đó, đã có những khuyết điểm lệch lạc nghiêm trọng. Ban chấp hành giao cho ban thường vụ uốn nắn, chấn chỉnh tờ tuần báo Văn Nghệ về nội dung và tổ chức nhằm nâng cao chất lượng của tuần báo theo hướng đổi mới. Hôm đó, nhiều anh chị lãnh đạo các báo, đài yêu cầu cho biết cụ thể những khuyết điểm lệch lạc nghiêm trọng là gì. Ông Nguyễn Đình Thi và ông Chính Hữu thay nhau nói rất dài, nhưng chỉ nêu rõ mỗi truyện ngắn “Phẩm tiết” của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, cho đó là ảnh hưởng xu hướng “hạ bệ thần tượng” của các nước Phương Tây. Hai ông cho biết có một nhà thơ nổi tiếng đã tỏ ý lo ngại: Hôm nay nói xấu Quang Trung, rồi ngày mai sẽ nói xấu Bác Hồ. Nhiều người vẫn tỏ ý băn khoăn, vì cho rằng báo Văn Nghệ vừa qua đã làm được nhiều việc lớn mà lâu nay chưa làm được: phát hiện Nguyễn Huy Thiệp một cây bút tài năng; đưa ra ánh sáng những cường hào mới trong “Cái đêm hôm ấy đêm gì?” (của Phùng Gia Lộc kể chuyện ở Thanh Hoá), vực dậy những hoàn cảnh thấp cổ, bé họng bị áp bức “Người đàn bà quỳ” (bút ký của Trần Khắc)…
“Những khuyết điểm, lệch lạc nghiêm trọng” của báo Văn Nghệ đã không bào chữa được việc “cách chức trá hình” đối với tổng biên tập Nguyễn Ngọc. Báo Tuổi Trẻ đăng thư ngỏ của 12 nhà văn thành phố Hồ Chí Minh ủng hộ tổng biên tập đổi mới Nguyên Ngọc. Phụ bản tạp chí Cánh Én ở miền Trung ra chuyên đề ca ngợi Nguyên Ngọc đổi mới báo Văn Nghệ và lo ngại cho số phận tờ báo sẽ xuống dốc khi bản thân tổng biên tập bị trù dập. Nhà thơ Thanh Thảo ở Quảng Ngãi, nhà thơ Bùi Minh Quốc ở Đà Lạt gửi thư ngỏ phản đối việc cách chức trá hình đối với tổng biên tập Nguyên Ngọc.
Sau đó ít lâu, nhà thơ Bùi Minh Quốc đến tòa soạn báo Lao Động cho tôi biết, anh đã bị tỉnh ủy Lâm Đồng quyết định khai trừ Đảng và cách chức chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng, do viết thư ngỏ và ý kiến nghị phản đối cách xử lý đối với nhà văn Nguyên Ngọc. Tôi thay mặt báo Lao Động gửi văn thư kèm theo đơn thư của nhà thơ Bùi Minh Quốc về kỷ luật khai trừ Đảng đối với anh, gửi lên Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương. Văn thư có đoạn: Không nên khai trừ Đảng đối với một nhà thơ chiến sĩ, cả hai vợ chồng đã gửi lại đứa con nhỏ, cùng xông ra chiến trường, có những tác phẩm mạnh hơn bom đạn và người vợ đã là liệt sĩ.
Bên an ninh đòi xem bài báo của nhà văn Nguyên Ngọc trước khi tôi đọc, phải chăng vì tôi đã có biểu hiện lệch lạc ký một văn thư như thế?
Việc “chấn chỉnh tờ báo Văn Nghệ về nội dung và tổ chức” gây cơn sốt ngầm trong giới cầm bút Việt Nam một thời gian dài. Tuy nhiên, đối với nguyên tổng biên tập báo Văn Nghệ mọi việc đã qua, anh thanh thản sắp xếp cho mình và bạn bè những cuộc thâm nhập thực tế lý thú. Riêng tôi, cũng được anh mời cùng tháp tùng về làng Thổ Tang, một làng làm kinh tế thị trường ngay dưới thời bao cấp. Làng này là quê hương của hai lãnh tụ Quốc Dân Đảng Nguyễn Thái Học, Vũ Hồng Khanh, là nơi Cô Giang tự bắn vào đầu mình để được chết theo người yêu cùng lý tưởng. Làng này dân đông đất ít, không có nhiều sản vật, nhưng cả làng đi mua sản vật mọi vùng đem về chế biến thành nhiều loại sản phẩm có chất cao, rồi bán ra khắp nước. Bà con ở đây kể: sau khi Huế giải phóng, Thổ Tang đoán chắc, sắp tới đồng bào miền Nam sẽ có yêu cầu rất lớn, được cung cấp lập tức lá cờ sao vàng nửa đỏ, nửa xanh và ảnh Bác Hồ. Cả Thổ Tang trở thành đại công xưởng kiêm đoàn vận chuyển phân phối cờ và ảnh đáp ứng yêu cầu đột xuất của đồng bào miền Nam mà các cơ quan xuất bản và phát hành của nhà nước chưa kịp nghĩ ra. Từ đầu tháng 4 năm 1975, quân giải phóng tiến tới đâu, đại diện Thổ Tang mang cờ, ảnh Bác Hồ tới kịp ngay sau đó. Mười năm sau đổi mới, làng Thổ Tang đã trở thành một thị trấn to đẹp. Nhà văn Nguyên Ngọc chính là người đầu tiên phát hiện điển hình kinh tế thị trường Thổ Tang. Cá nhân tôi cũng được mở mang cách nhìn cuộc sống từ những chuyến đi do anh tổ chức.
Biết đâu sự hứng thú thái quá của tôi trong cuộc tháp tùng nhà văn đã bị xem là không đủ bản lĩnh chính trị để đọc bài viết của anh? Theo gương anh trong chuyện này, tôi cũng sẽ không chấp nhận sự xúc phạm! Nhân ngày Quốc Khánh, tổng biên tập báo Lao Động gửi thư mời cục trưởng và cục phó A.25 là Lê Kim Phùng và Khổng Minh Dụ đến dùng bữa cơm thân mật. Hôm đó, thay mặt ban biên tập báo Lao Động tiếp khách có tôi và hai phó tổng biên tập là anh Huy Đan và anh Phạm Văn Nhàn. Giữa tiệc vui, tôi nói: “Có chuyện này, tuy tế nhị, nhưng là anh em, đồng chí với nhau, tôi muốn được hỏi thẳng hai anh”. Cả cục trưởng và cục phó đều tươi cười chờ đợi. Thấy tôi ngần ngừ, cục trưởng Đoàn Kim Phụng khuyến khích: “Anh em mình hiểu nhau quá có gì mà anh không ngần ngại, cứ nói thẳng với nhau đi mà!” Cục phó Khổng Minh Dụ nói thêm “Tôi đã hoạt động khá lâu ở Bến Tre quê anh, các mẹ ở Bến Tre nhận tôi làm con. Tôi rất thích tính dân Nam Bộ mình, cứ thẳng băng. Anh coi tôi như anh em đồng hương đi nha”. Tôi nói: “Hỏi chuyện này tôi cũng rất ngại. Dù vậy, xin hỏi thiệt tình như anh em trong nhà! Có phải các anh đã gài đặc tình ở cơ quan chúng tôi?” Cả hai người sửng sốt nhìn tôi, rồi cùng hỏi: “Sao anh Công lại hỏi như vậy? Vì sao chúng tôi lại phải gài đặc tình vào cơ quan báo Lao Động? Tôi nói: “Tôi biết hỏi như vậy thật là kỳ cục lắm, đường đột lắm, cũng có thể coi là mất lịch sự nữa. Chuyện thế này, vừa qua, nhà văn Nguyên Ngọc có gửi tới một bài báo về đổi mới ở một địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tôi chưa biết, chưa đọc bài này, nhưng các anh đã biết, và cử anh Đỗ Văn Phú đến xin đọc trước. Tôi không giải thích được, nên cứ băn khoăn, đành hỏi thẳng hai anh. Tôi không lo chuyện có đặc tình của các anh đâu, vì chúng tôi đâu có làm gì mờ ám mà phải sợ và che giấu. Chúng tôi chỉ sợ các anh chọn nhầm một anh nào đó đang có thắc mắc cá nhân, thì sẽ thiếu công tâm. Nếu các anh dựa vào cấp ủy và các đoàn thể của báo Lao Động mà chọn người làm đặt tình thì tôi hoàn toàn yên tâm!”
Cả hai người lãnh đạo A.25 đều quả quyết với tôi là không hề có điều tôi lo nghĩ, chuyện anh Phú biết có bài viết của nhà văn Nguyên Ngọc và xin được đọc, có lẽ do sự ngẫu nhiên nào đó. Ở đời, đâu có thiếu những trường hợp ngẫu nhiên! (Khi định viết lại chuyện này, tôi gọi điện hỏi lại anh Phú, nay đang làm ủy viên ban biên tập phụ trách kinh doanh của báo Lao Động. Anh Phú cho biết, lãnh đạo cục phân công anh đến xin báo Lao Động cho đọc bài của nhà văn Nguyên Ngọc, nhưng nay đã qua 20 năm, anh không còn nhớ rõ nội dung bài).
Sau khi tôi hỏi chuyện “đặc tình”, không khí cuộc gặp gỡ có hơi trầm lắng so với lúc đầu. Hôm sau, rút kinh nghiệm chuyện này, hai anh phó tổng biên tập (tuy là  phó, nhưng đều có thâm niên công tác lâu hơn tôi) cho rằng cách đặt vấn đề của tôi như vậy là quá “căng”, e từ nay quan hệ hai bên sẽ xấu đi! Tôi cũng thấy như vậy, nhưng không nghĩ ra cách nào tốt hơn! Tuy nhiên sau vụ này, cả hai anh Lê Kim Phụng và Khổng Minh Dụ vẫn tiếp tục gần gũi, giúp đỡ tôi và hoạt động của báo Lao Động, không chỉ như trước mà còn tốt đẹp, thân tình hơn. Trong nhiều vụ việc rắc rối, nếu hai anh ấy có định kiến không hay, thì tôi sẽ gặp khó khăn rất lớn.
Cuối năm đó, có cuộc hội nghị tổng kết công tác báo chí toàn quốc, do ông Đào Duy Tùng, ủy viên Bộ Chính trị phụ trách khối Tuyên-Văn-Giáo của Đảng chủ trì (cùng với các ông Trần Trọng Tân, trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương và ông Trần Hoàn, bộ trưởng Bộ Thông tin). Tôi xin lên diễn đàn hội nghị này, trình bày chuyện cán bộ A 25 yêu cầu đọc bài báo của nhà văn Nguyễn Ngọc trước tổng biên tập, để xin hội nghị xem xét. Tôi cho rằng cách làm như vậy không hợp lý và có hại, vì gây cho cán bộ, phóng viên thắc mắc, lo lắng, xì xầm: “Tại sao cơ quan an ninh đòi duyệt bài trước tổng biên tập?” Tôi nhận định: “Nếu đây là một cơ chế quản lý báo chí chính thức thì sẽ gây nhiều tác dụng xấu: Một là trách nhiệm và quyền hạn của tổng biên tập báo không rõ ràng; hai là gây bất ổn tư tưởng trong cán bộ phóng viên của tờ báo; ba là gây ra sự chồng chéo trách nhiệm quản lý, đưa tới mất đoàn kết giữa ban biên tập của báo với cơ quan an ninh. Tôi đề nghị: “Nếu tổng biên tập không đủ độ tin cậy thì nên thay người khác. Còn nếu Đảng cho rằng cần có một cơ chế để cả hai bên, tổng biên tập báo và cơ quan an ninh cùng chịu trách nhiệm, thì nên thực hiện công khai. Mỗi tòa soạn báo đều có bố trí một gian phòng cho cán bộ A.25 làm việc song song với tổng biên tập, để cùng duyệt bài, cùng chịu trách nhiệm”.
Tôi nhìn xuống thấy các đồng nghiệp cả nước chăm chú lắng nghe với vẻ đồng cảm. Ông trung tướng Dương Thông ngồi ở hàng đầu cau mày đăm đăm. Khi tôi nhắc lại, chủ tọa hội nghị, ông Đào Duy Tùng không tỏ thái độ tán thành hay phản đối mà cho nghỉ giải lao.
Gặp tôi ở bàn nước, anh Vũ Tuất Việt, tổng biên tập báo Sài Gòn Giải Phóng lôi tay tôi ra ngoài, góp ý: “Ông ơi, hôm nay hình như ông ấm đầu phải không? Hết chuyện rồi sao không đi gây sự với cơ quan an ninh?” Tôi nói: “Mình đâu có gây sự với cơ quan an ninh! Mình chỉ kiến nghị với Bộ Chính trị để đổi mới cách quản lý báo chí, làm thế nào cho sự cộng đồng trách nhiệm hợp lý hơn, không chồng chéo, không gây hiểu lầm thôi mà!” Anh Vũ Tuất Việt vẫn chưa chịu: “Để rồi coi! Ông sẽ thấy hậu quả của việc này!” Sao giờ nghỉ giải lao vào, và cho tới kết thúc hội nghị, ông Đào Duy Tùng vẫn không đề cập đến vấn đề này.
Sáng hôm sau, khi tôi vừa bước vào cửa cơ quan báo Lao Động thì anh Phạm Văn Nhàn phó tổng biên tập chờ sẵn, kéo tôi đi gặp riêng, hỏi: “Hôm qua, anh phát biểu ở hội nghị tổng kết báo chí, nêu lại chuyện A.25 yêu cầu cho duyệt bài của nhà văn Nguyên Ngọc trước phải không?” Tôi ngạc nhiên: “Vì sao anh biết mà hỏi vậy?” Anh Nhàn đáp: “Anh Đức Lạc nhà mình cho biết (anh Đức Lạc là anh ruột anh Nhàn, là ủy viên Thường vụ thành ủy thành phố Hà Nội). Anh Nhàn kể tiếp: “Tối qua, anh Đức Lạc gọi mình, kể: sau khi rời hội nghị tổng kết báo chí, ông trung tướng Dương Thông trên đường về đã ghé nhà anh Đức Lạc với vẻ mặt bực tức chưa nguôi. Ông ấy kể cho anh Đức Lạc nghe nội dung phát biểu của anh, rồi nhận xét ‘chưa từng thấy tay nào ăn nói láo lếu quá sức như cái tay tổng biên tập này!'” Nghĩ cũng lạ, người đang giận tôi là hai anh Lê Kim Phụng và Khổng Minh Dụ thì lại không hề giận. Tại sao ông trung tướng này là giận dữ đến mức như vậy? Tôi liền gửi cho ông một lá thư:
“Kính anh Dương Thông,
Được biết anh rất khó chịu đối với phát biểu của tôi ở hội nghị tổng kết công tác báo chí toàn quốc? Anh đã hiểu lầm là tôi công kích ngành an ninh! Cuộc hội nghị này do đại diện Bộ Chính trị là đồng chí Đào Duy Tùng chủ trì, nhằm rút kinh nghiệm để cải tiến cơ chế quản lý báo chí sao cho phù hợp với đổi mới. Tôi nêu vấn đề nhằm mục đích góp phần cùng với Đảng tìm ra cách làm tốt hơn, khắc phục được sự chồng chéo, dậm chân nhau, gây ra hiểu lầm. Anh đừng nghĩ, phát biểu của tôi ở hội nghị là nhằm phê bình cách làm việc của các anh. Rất mong được trao đổi ý kiến thêm với anh để thông cảm nhau hơn”.
Đáng tiếc là tôi không nhận được hồi âm của trung tướng Dương Thông. Dù vậy tôi vẫn nghĩ rằng giữa ông và tôi không có chút hiềm khích cá nhân nào. Khoảng cách giữa ông và tôi chỉ là một câu hỏi: “Cỗ xe báo chí trên con đường tự do, cần bao nhiêu tay lái?” Câu hỏi này chắc sẽ làm cho các quốc gia có nền báo chí tự do vô cùng kinh ngạc!
Anh Nguyên Ngọc cũng vấp bước trên con đường tự do ấy, chuyện báo Văn Nghệ chỉ là giọt nước tràn ly. Sau ngày đất nước thống nhất, nhà văn đã hy sinh cả tuổi trẻ, ấp ủ “đề dẫn tự do sáng tạo những tác phẩm xứng tầm thời đại” nghĩ rằng, đã đến lúc nói to ước mơ cao cả đó với đồng nghiệp. Anh đã nhầm! Tiếng nói của quyền lực lập tức át giọng anh: “Thời đại là thế nào hè! Thực tế của ta bây chừ là rất đẹp, có thể nói là tuyệt diệu. Tại sao các đồng chí ngại ghi chép hả? Thậm chí sao chép cũng đẹp” (lời ủy viên Bộ Chính trị Tố Hữu tại cuộc họp các nhà văn đảng viên tháng 6 năm 1979, bác bỏ Đề dẫn sáng tác văn học của Nguyên Ngọc. Trích “Nhớ lại” của Đào Xuân Quý).
Biểu hiện mới nhất của khoảng cách về tự do là chuyện nhà văn Nguyên Ngọc cùng các bạn ông biểu tình chống Trung Quốc gây hấn đã bị Đài Truyền hình Hà Nội xếp vào loại phản động. Tôi lại có lời khuyên gửi tới các đồng nghiệp Hà Nội ngày 1 tháng 9 năm 2011 là: “Nên xin lỗi nhà văn Nguyên Ngọc!” Nhưng cuối cùng tôi đành chia sẻ với anh nỗi thất vọng khi bến bờ tự do còn xa tít. Nay mừng anh tròn 80 xuân, với hai phần ba thế kỷ cầm bút, cầu mong sẽ đến một ngày những bài viết đau đáu vận nước của anh vang lên trong tự do.
Bài viết “Từ một bài báo nhỏ” trong năm 2012 đã được nhà xuất bản Tri Thức in trong tập sách “Nguyên Ngọc vẫn trên đường xa”. Sách in xong, an ninh văn hóa không cho phát hành vì bài “Từ một bài báo nhỏ” và bài “Những dịch phẩm của tự do” của tiến sĩ Nguyễn Thị Từ Huy. Ông Chu Hảo Giám đốc Nhà Xuất bản đề nghị: Tổ chức cuộc đối thoại giữa ba bên: nhà xuất bản, các tác giả và an ninh văn hóa. Sau một tuần cân nhắc, an ninh văn hóa không nhận đối thoại mà đồng ý cho phát hành quyển sách.”
Năm 2015 anh vào Sài Gòn mời một số anh em, Bùi Chát, Hoàng Hưng, Phạm Đình Trọng, Hoàng Dũng, Lưu Trọng Văn, Lê Phú Khải và tôi khởi xướng cuộc vận động thành lập Văn đoàn Độc lập Việt Nam. Văn đoàn đã tổ chức mạng Văn Việt được bạn đọc hâm mộ.

HỒI KÝ TỐNG VĂN CÔNG (55)

Từ theo cộng đến chống cộng (55): Nhà báo Trần Minh Tước – Xích Điểu



Nhà báo Trần Minh Tước bút hiệu Xích Điểu sinh năm 1911 cùng tuổi với Võ Nguyên Giáp, Lê Đức Thọ, tham gia đảng Cộng sản từ 1930, bị thực dân Pháp đày nhà tù Lao Bảo cùng thời với Lê Đức Thọ. Năm 1938 ông viết “Nhà thơ của tương lai” đăng trên Phụ Nữ Tân Văn giới thiệu Tố Hữu. Sau tháng Tám 1945, ông làm chủ tịch tỉnh Lạng Sơn, sau đó được chuyển làm giám đốc Sở Báo chí Trung ương, rồi phó tổng biên tập báo Giải Phóng, cuối cùng cộng tác với các báo. Lúc đang là phó tổng biên tập báo Giải Phóng ông viết bài cho báo Tin Sáng nhiều hơn cho báo nhà, do đó bị tổng biên tập Nguyễn Thành Lê phê bình. Ông bảo, thích viết cho Tin Sáng không phải vì tiền mà vì ban biên tập báo này biết đánh giá, trân trọng bài viết và tờ báo này được bạn đọc vồ vập đón nhận. Ông còn được bạn đọc yêu vì là tác giả những bài thơ trào phúng rất có duyên. Tôi mời ông viết bài thường xuyên, rồi trở thành bạn vong niên.
Tuy đường hoạn lộ không hanh thông, nhưng ông được các vị lãnh đạo cao cấp trọng nể. Ông kể, lúc Trường Chinh ra tập thơ “Sóng Hồng”, ông được đề tặng trang trọng và mời đến nhà riêng đàm luận. Lúc ông đang bình thơ và Trường Chinh chăm chú lắng nghe thì nhân viên bảo vệ đưa ông vụ trưởng của Thông tấn xã Việt Nam vào. Ông này đích thân mang tập ảnh phóng viên chụp chủ tịch Trường Chinh đi thăm các tỉnh Tây Bắc. Thấy chủ tịch và vị khách say sưa trò chuyện, ông vụ trưởng lùi vào chiếc bàn gần đó ngồi chờ. Nhưng ngồi chờ gần một tiếng đồng hồ mà cuộc đàm luận chưa biết đến bao giờ mới kết thúc. Ông vụ trưởng khúm núm bước tới cúi chào xin phép đi về.
Ông Trường Chinh dừng nói, ngẩng nhìn ông vụ trưởng, hỏi: “Anh đến tặng tập ảnh phải không?” “Thưa vâng!” Lại hỏi: “Anh đã nói lời tặng chưa? Và tôi đã nhận chưa mà anh xin về?” Ông vụ trưởng xin lỗi, cầm tập ảnh lên, lắp bắp những lời kính tặng như đứa trẻ vừa phạm lỗi bị đe nẹt, rồi cúi đầu chờ ông bố tha thứ! Kể xong, Xích Điểu có lời bình “Ông chủ tịch nước cũng giống như ông vua với thần dân!” Tôi nói “cũng may là cụ không trở thành một ông to nên vẫn giữ được sự bình đẳng trong quan hệ với mọi người”.
Một lần, Lê Đức Thọ vào Sài Gòn ghé thăm ông. Khi nói chuyện, ông gọi ông Thọ là ông và xưng tôi. Ông Thọ nói tao thích mày gọi tao là thằng như hồi ở tù Lao Bảo mày ạ. Ông đáp “khổ quá, làm sao gọi được như vậy, khi mà các ông đã biến tôn ti trật tự trong đảng như một triều đình? Hồi ở tù Lao Bảo, tôi với ông là hai thằng tù cùng tuổi đời, tuổi Đảng. Tôi lại là thầy dạy ông học tiếng Tây, dạy ông làm thơ. Còn ngày nay ông là ủy viên bộ chính trị, có dàn trợ lý, cận vệ, cần vụ. Tôi chỉ là thằng viết báo kiếm nhuận bút.” Lê Đức Thọ cười lớn “mày tự ti đó mày ơi! Tao vẫn coi mày là thầy tao”. Kể tới đó, ông cười và nói tiếp chuyện đời này. Một lần, ủy viên bộ chính trị Tố Hữu đến nói chuyện với các nhà văn nhà báo. Xích Điểu trong đám cử tọa ngồi nghe. Đến lúc nghỉ giải lao, Tố Hữu với giọng kể cả hỏi Xích Điểu giữa đám đông: “Ông ơi, lâu nay ông bận việc tới nỗi không có thì giờ đọc thơ tôi hay sao mà không thấy ông bình luận gì cả?” Xích Điểu vui vẻ trả lời: “Hồi đó trên văn đàn Việt Nam người ta không biết có nhà thơ Tố Hữu. Trong Thi Nhân Việt Nam, Hoài Thanh – Hoài Chân không nhắc tới. Nay thì có tập thơ nào của ủy viên bộ chính trị Tố Hữu mà không được Hoài Thanh và bao nhiêu nhà phê bình trẻ ca tụng. Tôi viết tụng ca làm sao bằng họ!” Tố Hữu tuy rất khó chịu nhưng cố im lặng.
Sau năm 1975, ông vào Sài Gòn làm báo. Hai vợ chồng già sống trong gian phòng của ngôi nhà tập thể báo Đại Đoàn Kết. Cụ bà mất năm ông 76 tuổi. Trong vụ đấu tranh chống tham nhũng ở Công ty Dịch vụ Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, tôi viết thư mời ông làm thơ đả kích bọn này. Cô Ngọc Dung học ở Ba Lan về được gọi là “Dung Ba Lan” mang thư tôi đến ông. Ông viết liên tục những bài thơ đả kích theo diễn biến của cuộc đấu tranh. Thật không ngờ, sau khi quật ngã được bọn tham nhũng, ông mời tôi dự lễ cưới của ông với Dung Ba Lan. Họ sống hạnh phúc đến năm ông qua đời ở tuổi 94.