Saturday 18 August 2012

Xuân Diệu 1954-1958 (6)

Phần cuối.


LẠI NGUYÊN ÂN VÀ ALEC HOLCOMBE – CON TIM VÀ LÝ TRÍ CỦA THI SĨ XUÂN DIỆU: GIAI ĐOẠN 1954 – 1958 (PHẦN CUỐI)

03/11/2010 | 11:14 sáng | Phản hồi đã bị khóa
Tác giả: Đông Hiến
Đông Hiến dịch
Từ Văn hồi tưởng về Nhân văn – Giai phẩm
Sự kiện đóng cửa báo Văn vào tháng Giêng dường như là màn khởi động của đợt tấn công dữ dội, diễn ra từ tháng Hai đến tháng Sáu năm 1958, nhằm vào những trí thức đã chỉ trích chế độ trên các ấn phẩm tư nhân trong thời kỳ Nhân văn – Giai phẩm. Hơn nữa, dù đã đóng cửa, tờ báo Vănvẫn tiếp tục bị phê phán, dường như lãnh đạo đảng cố bêu riếu về mối quan hệ tội lỗi của tờ báo với các ấn phẩm ngang ngược của phong trào Nhân văn – Giai phẩm.[1] Vì thế, gần ba tháng sau khi lãnh đạo đảng ra lệnh đóng cửa tờ báo, ba biên tập viên của Văn đột nhiên đăng bài tự kiểm điểm trên báo Nhân Dân, cơ quan của đảng. Dưới tiêu đề chung “Các đồng chí ở báo Văn bắt đầu tiến hành tự phê bình”, báo Nhân Dân đăng liền một loạt bài tự nhận lỗi công khai (vì bị ép buộc?) của Nguyên Hồng, Tô Hoài và Tế Hanh.[2] Như xát thêm muối vào chỗ đau, sau khi đăng bài tự phê của nhà văn hiện thực phê phán nổi tiếng Nguyên Hồng, Nhân Dân chạy ngay một bài có đặt vấn đề chất vấn tính thành thật của nhà văn này.[3]
Xuân Diệu đóng góp vào đợt đánh Nhân văn – Giai phẩm mới với bốn bài tiểu luận đăng vào cao điểm của đợt tấn công thứ hai đầy uy lực này nhằm vào các thành viên phong trào: “Một số vấn đề đấu tranh tư tưởng trong thơ”, “Những suy nghĩ chung quanh vấn đề chỉnh huấn”, “Những biến hóa của chủ nghĩa cá nhân tư sản qua thơ Lê Đạt” và “Những tư tưởng nghệ thuật của Văn Cao”.[4] Nội dung của bốn bài luận này gợi cho ta thấy vai trò của Xuân Diệu trong đợt tấn công này – dù tự nguyện hay được trên giao – là khẳng định quan điểm cho rằng lĩnh vực văn chương là một chiến trường tư tưởng. Ở mặt trận thơ ca, các cứ điểm chính phải san phẳng là các thành viên chủ chốt của Nhân văn – Giai phẩm: Lê Đạt và Văn Cao. Một địch thủ nguy hiểm nữa là Nguyễn Tuân, với bài tùy bút phá cách “Phở” và mối liên hệ với các nhà văn hiện thực phê phán. Xuân Diệu không phải là người khởi xướng đợt tấn công, nhưng ông giữ vai trò dẫn dắt với nhiệm vụ quy kết và bôi nhọ thơ của Nhân văn – Giai phẩm là “một luồng thơ chống đảng, chống chế độ”. Hơn nữa, ông đã đem uy tín khá dày của mình với tư cách là nhà thơ số một của Phong trào Thơ mới để đóng góp vào chiến dịch tấn công không thương tiếc nhằm vào các nhà thơ đã đứng lên đòi nới rộng tự do tư tưởng.
Thế nên Xuân Diệu đã nhận xét “cố giật gân người đọc như Trần Dần, huênh hoang như Lê Đạt, trá hình nhiều cách lập lờ giả trái như Hoàng Cầm”. Bài báo của Xuân Diệu tấn công Lê Đạt đầy sự mạ lỵ ác ý, thậm chí còn gọi Lê Đạt là “nhà văn cao bồi”. Trong bầu không khí chính trị đang ngập tràn tinh thần chống Mỹ ở Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đây thực sự là cách gọi chụp mũ đầy ác hiểm. Xuân Diệu viết “Một anh cán bộ văn hóa đã bộc lộ rằng khi anh đọc thơ Lê Đạt cho một số thanh niên cao bồi ở Hà Nội thì họ mới nghe thoáng qua, chưa cần hiểu rõ từng câu, họ đã thích ngay. Cái máu cá nhân anh hùng rẻ tiền càn quấy ngổ ngáo của cao bồi đã gặp Lê Đạt là kẻ phát ngôn của họ”.[5]
Cũng với mạch tư duy này, Xuân Diệu gọi Văn Cao là “đại ca” ngụy quân tử, “giả dối như một con mèo, kín nhẹm như một bàn tay âm mưu trong truyện trinh thám”, “lập lờ, ấp úng, bí hiểm, hai mặt,” “hiểm độc,” “một cái giọng cao đạo, ra vẻ bác học, thông thái”. Ông chỉ trích “cái duy tâm chủ quan”, “cái cá nhân chủ nghĩa bế tắc”, “cái tìm tòi lập dị”, “cái khinh thường quần chúng”, và “một mớ cặn bã tư tưởng cũ rích” của Văn Cao. Cuối cùng Xuân Diệu cảnh tỉnh Văn Cao mà như có ý đồng thời tự căn dặn mình: “Nhà văn trước tiên phải ôm lấy tư tưởng đúng, phải ôm lấy quần chúng vạn năng, phải ôm lấy Đảng vĩ đại, chứ nếu chỉ ôm lấy một mớ chữ, theo lối Văn Cao tán thưởng, thì chỉ ôm lấy tro tàn thuốc lá hay cặn rượu mà thôi. Huống chi mớ chữ đó lại phản động, thì nhất định tiêu ma sự nghiệp”.[6]

Xuân Diệu cưới vợ
Khoảng cuối tháng Tư năm 1958, khi chiến dịch công kích các trí thức từng tham gia Nhân văn – Giai phẩm đang đà lên, ngôi nhà nơi Xuân Diệu ở chung với em gái và Huy Cận sống động hẳn lên nhờ sự có mặt của một thành viên nữ mới. Cô phóng viên báo Nhân Dân 29 tuổi đời này, tên là Bạch Diệp đã được ông tổng biên tập của tờ báo, Hoàng Tùng mai mối cho Xuân Diệu từ cuối năm 1957. Sau khi tìm hiểu Bạch Diệp mới được vài tháng, Xuân Diệu chọn ngày cưới vào cuối tháng Tư năm 1958. Gần đến ngày đó, cô gái nhiều lần cố nài Xuân Diệu ký vào giấy đăng ký kết hôn, nhưng ông luôn tìm cớ thoái thác việc xác nhận pháp lý này. Bạch Diệp cũng phát hiện ra rằng đó không phải là việc duy nhất mà Xuân Diệu tìm cách tránh né, chỉ một thời gian ngắn sau khi chuyển đến nhà chồng ở số 24 phố Cột Cờ. Nhiều năm sau, cô còn hồi tưởng lại những đêm, vào lúc phải làm chuyện vợ chồng, thì Xuân Diệu lại đột nhiên ra bàn làm việc ngồi và đắm mình vào việc viết lách. Tình trạng khó xử này kéo dài khoảng vài tháng, rồi cuối cùng Bạch Diệp cũng phải bỏ cuộc và dọn về nhà cũ với bố mẹ. Vì Xuân Diệu đã thận trọng không ký một giấy tờ pháp lý nào, và hiển nhiên là không có sự lo âu về sự ra đời của một kết quả bằng xương bằng thịt của cuộc hôn nhân, việc Bạch Diệp dọn ra khỏi 24 Cột Cờ là một sự kết thúc chóng vánh và dứt điểm của cuộc hôn nhân đầu tiên và cũng là cuối cùng của nhà thơ.[7]
Kết luận
Sau đợt công kích Nhân văn – Giai phẩm lần thứ hai, kéo dài từ tháng Hai đến tháng Sáu năm 1958, lãnh đạo đảng đã cho bắt những thành viên chủ chốt của phong trào, như Nguyễn Hữu Đang, Thụy An, Trần Thiếu Bảo, và Phùng Cung đi tù vài năm.[8] Ba người (Trương Tửu, Thụy An và Phan Khôi) bị khai trừ vĩnh viễn khỏi Hội Nhà văn, và hai người khác (Trần Dần và Lê Đạt) bị đình chỉ ba năm. Hoàng Cầm và Hoàng Tích Linh bị cách chức khỏi ban chấp hành và những trí thức khác có đóng góp cho các ấn phẩm của phong trào đều bị cảnh cáo. Thoạt nhìn, có vẻ việc trừng phạt chỉ giới hạn trong việc xét xử tố tụng một số, còn chủ yếu là các biện pháp kỷ luật nội bộ (như khai trừ, đình chỉ, v.v…) do các cơ quan chủ quản tiến hành. Tuy nhiên, lãnh đạo Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lại kết hợp những biện pháp trừng phạt này với hàng loạt biện pháp hành chính bổ sung, thường kéo dài trong nhiều năm, ví dụ như thuyên chuyển một số thành viên của phong trào ra khỏi thủ đô Hà Nội, về sinh sống ở vùng nông thôn xa xôi, nơi họ phải làm những công việc lao động chân tay và chịu sự giám sát liên tục của công an. Lãnh đạo đảng đã duy trì những biện pháp này, song song với việc hạn chế nhiều quyền dân sự và xã hội, đối với một số thành viên của phong trào trong gần ba thập niên (từ năm 1958 đến tận giữa thập kỷ 1980). Đối với một số thành viên Nhân văn – Giai phẩm, họ hàng, thậm chí bạn bè của họ còn bị kỳ thị dưới nhiều hình thức, như gặp trở ngại khi đi xin việc, đi học trong hàng chục năm.
Dù bị bầm dập, nhưng Xuân Diệu vẫn vượt qua những năm đầy sóng gió từ 1954-1958 một cách êm thấm, sự nghiệp cách mạng không hề bị sứt mẻ. Lãnh đạo Đảng Lao động Việt Nam không hề bắt ông phải đăng bản tự kiểm điểm ê chề như rất nhiều đồng chí, đồng nghiệp của ông từ những ngày đầu cách mạng (như Hoài Thanh, Nguyễn Tuân, Nguyễn Đình Thi, Nguyên Hồng, Tế Hanh, và Tô Hoài). Và, lẽ đương nhiên, vì ông không dính dáng gì đến phong trào Nhân văn – Giai phẩm – trên thực tế, lại còn là nạn nhân được ưa chuộng của những bài phê bình của họ nữa – nên Xuân Diệu tránh được hậu quả của những sự trừng phạt nghiêm khắc như các thành viên của phong trào phải hứng chịu. Còn về món nợ cũ là những lời chỉ trích cay nghiệt mà Xuân Diệu đã phải hứng chịu trên báo chí Nhân văn – Giai phẩm, ông chắc có thể thấy khuây khỏa vì giờ đây sự nghiệp của họ ở Việt Nam Dân chủ Cộng hòa coi như trở về con số không tròn trĩnh.
Có điều, cũng giống như những thành viên Nhân văn – Giai phẩm, Xuân Diệu có động cơ phức tạp, với hàng loạt những suy tư về chính trị, chuyên môn và cá nhân, đôi khi trái ngược nhau. Rõ ràng là ông bán tin bán nghi với chính sách văn hóa của chế độ, nhưng ông vẫn nhiệt tình cổ vũ cho nó. Và những thay đổi đột ngột trong chính sách của đảng, để điều chỉnh cho phù hợp với tình hình trong khối xã hội chủ nghĩa (ví dụ như phong trào giải hoặc Stalin, phong trào Trăm Hoa) khiến ông nhiều khi bị lố. Thực ra nhiều trí thức khác cũng bị lố như Xuân Diệu, ở một thời điểm nào đó trong lịch sử Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Những nghiên cứu gần đây đôi khi cho rằng Xuân Diệu là điển hình của năng lực cải hóa của cách mạng, với lập luận rằng lòng tin ở chủ nghĩa Mác-Lê là cơ sở của mối quan hệ giữa Xuân Diệu với Đảng Lao động Việt Nam và là yếu tố quyết định nghệ thuật cũng như tư tưởng của nhà thơ. Nhưng nếu nghiên cứu các bài viết và hành động của ông trong giai đoạn 1954-1958 một cách tỉnh táo, ta lại thấy hình như không phải vậy. Nhìn lại giai đoạn này, có ba yếu tố chính giúp giải thích quan hệ giữa Xuân Diệu và chế độ cách mạng.
Trước hết, uy tín và năng lực văn chương của ông khiến ông trở thành một nhân vật rất có giá trong con mắt của lãnh đạo Đảng Lao động Việt Nam. Trong lĩnh vực văn hóa, hiển nhiên là Xuân Diệu được đông đảo người dân Việt Nam, miền Bắc cũng như miền Nam, đánh giá là nhà thơ lớn. Nhà lý thuyết văn hóa hàng đầu của Đảng Lao động Việt Nam, Trường Chinh hẳn luôn tin rằng kiến thức của mình về chủ nghĩa Mác-Lê là cơ sở cho chỗ đứng quyền lực của mình trong lĩnh vực văn hóa, nhưng thực ra quyền lực của ông ta luôn xuất phát từ vị trí chính trị. Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, ít người để ý đến Trường Chinh nói gì về văn học nghệ thuật, ngoại trừ những thành viên của phong trào cộng sản. Thơ của Tố Hữu cũng có số phận tương tự. Vì các sáng tác của ông ta luôn được lãnh đạo đảng tung hô nhằm mục đích tuyên truyền, ông ta không bao giờ biết được liệu thơ mình có cạnh tranh được với Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Thế Lữ, Nguyễn Bính và nhiều ngôi sao khác của Phong trào Thơ mới từ thời trước cách mạng hay không. Trong năm tuần đầu của cuộc tranh luận về Việt Bắc, Xuân Diệu đã vô tình cho in cả hai loại bài phê bình chê và khen tập thơ khiến Tố Hữu có một ấn tượng thoáng qua về việc thơ của ông ta sẽ đứng ở đâu trong một thế giới không có đảng đỡ đầu. Và ông ta thấy bức tranh đó không mấy sáng sủa. Có lẽ những nhận xét vô tư trong năm tuần đó, cộng với những lời phê tiêu cực hơn trong phong trào Nhân văn – Giai phẩm về khả năng làm thơ và lãnh đạo của mình đã ám ảnh Tố Hữu, một người vốn luôn thấy bất an, trong suốt phần còn lại của cuộc đời ông ta (điều này giúp giải thích vì sao ông ta trù dập những thành viên Nhân văn – Giai phẩm một cách nghiệt ngã và hiểm ác đến vậy).[9] Do luôn bị ám ảnh về tính chính đáng, lãnh đạo đảng đánh giá cao nhất ở Xuân Diệu là những lời khẳng định công khai về năng lực lãnh đạo của đảng trong lĩnh vực văn hóa. Như chúng tôi đã cố gắng trình bày trong bài viết này, Xuân Diệu sẵn sàng viết bất cứ điều gì, hoặc lên án bất cứ ai (ngay cả chính bản thân) để ủng hộ đường lối văn hóa của đảng.
Hai là, không thể nghiên cứu về sự nghiệp cách mạng của ông mà không xem xét đến bản chất luyến ái đồng tính của Xuân Diệu. Theo hồi ký của Tô Hoài, nhà thơ của chúng ta đã bị đấu rất dữ vì tính lang chạ trong hai đêm chỉnh huấn hồi năm 1952. Cũng như tất cả những tội lỗi khác được đem ra mổ xẻ trong phong trào chỉnh huấn, bản tính luyến ái đồng tính của Xuân Diệu được quy kết nguyên nhân ở bản chất giai cấp (“tư tưởng tư sản xấu xa” của ông). Thế mà, dù đã phải chịu sức ép hết sức căng thẳng đến nỗi phải công nhận lối giải thích trên, Xuân Diệu vẫn tỏ ra không hề thay đổi quan điểm riêng rằng giai cấp là một chuyện, còn xu hướng luyến ái là chuyện khác. Dù được giáo hóa với chủ nghĩa Mác-Lê đến độ nào đi nữa, Xuân Diệu cũng không thể cải hóa thành một “con người mới xã hội chủ nghĩa” có đời sống luyến ái khác giới được.
Một điều mỉa mai là, khi quy kết bản chất luyến ái đồng giới về vấn đề giai cấp, lãnh đạo đảng (chắc có cả Tố Hữu, người phụ trách phong trào chỉnh huấn) đã thể hiện cho Xuân Diệu thấy rằng chủ nghĩa Mác-Lê và cách mạng về cơ bản không giải quyết vấn đề kỳ thị xu hướng luyến ái đồng tính, có lẽ là mối băn khoăn lớn nhất trong đời của Xuân Diệu. Đảng Lao động Việt Nam chỉ đơn thuần dùng chủ nghĩa Mác-Lê để biện hộ cho định kiến xưa cũ về vấn đề này. Ngay cả những trí thức có tư tưởng cải cách của phong trào Nhân văn – Giai phẩm, với những khẩu hiệu hành động đầy tính nhân văn, cũng khoái trá khai thác mối quan hệ đặc biệt của Xuân Diệu với Huy Cận trong khi công kích giới lãnh đạo văn hóa. Xét trong bối cảnh này, chúng ta không thể không thắc mắc liệu có phải Xuân Diệu viết bài về “nhà thơ của nhân dân” Walt Whitman phần nào với động cơ muốn phủ định sự liên hệ giữa giai cấp với bản chất luyến ái đồng tính. Khả năng đó giúp giải thích sự chuyển hướng đột ngột trong phần cuối của bài viết, sau khi đã khai thác triệt để mọi thông tin để tạo căn cước vô sản cho Whitman, Xuân Diệu xoay sang trích dẫn một đoạn rất tình cảm và riêng tư trong bài thơ “Chia tay”, bài cuối cùng của tập Lá Cỏ.
Về mối quan hệ giữa nhà thơ và đảng, có thể bản chất luyến ái đồng tính luôn là mạch ngầm của mối lo tiềm ẩn ở Xuân Diệu và góp phần tạo nên nhu cầu thường trực là phải lấy lòng lãnh đạo đảng. Cảm giác bất an về vấn đề luyến ái đồng tính chắc đã ám ảnh ông nhiều trong thời kỳ Nhân văn – Giai phẩm, khi đột nhiên một luồng báo chí tự do nở rộ, vừa có thái độ đối nghịch với Xuân Diệu, vừa nằm ngoài tầm kiểm soát của ông. Có hai bài báo trong thời kỳ này cạnh khóe rất lộ liễu về bản chất luyến ái của Xuân Diệu, nhưng chưa đi xa đến mức phát biểu thẳng rằng Xuân Diệu là người đồng tính. Sự thận trọng cao độ của Xuân Diệu trong thời kỳ này có thể có một phần nguyên nhân từ nỗi lo sợ rằng bất kỳ một hành động phản ứng nào của ông cũng có nguy cơ kích động các thành viên Nhân văn – Giai phẩm, khiến họ có thể đánh trực diện vào bản chất đồng tính của ông, thậm chí lôi ra làm đề tài đàm tiếu công khai. Đây chắc là cơn ác mộng khủng khiếp nhất của Xuân Diệu, vì không có dấu hiệu gì đảm bảo rằng, xét theo những quan niệm xã hội bảo thủ của họ, chế độ sẽ đứng về phía ông trong tình huống này. Cũng chính nỗi sợ bị chê cười là người đồng tính cũng có thể đã góp phần khiến Xuân Diệu quyết định tìm hiểu và cưới Bạch Diệp vào năm 1958. Hành động khăng khăng từ chối ký giấy tờ hôn thú và thái độ “thụ thụ bất thân” phản lãng mạn không kém đối với chuyện chăn gối trong thời gian chung sống khiến người ta có thể đặt câu hỏi liệu Xuân Diệu có bao giờ có ý định nghiêm túc với Bạch Diệp không?[10]
Yếu tố thứ ba ảnh hưởng tới sự nghiệp cách mạng của Xuân Diệu là ông luôn là người không có lý tưởng. Nghiên cứu kỹ các tài liệu giai đoạn 1954-1958 sẽ thấy rất nhiều bằng chứng chứng tỏ rằng Xuân Diệu không hề tha thiết với tư tưởng chính thống của chế độ hay bất kỳ một tư tưởng nào khác. Chúng ta thấy điều này rõ nhất trong cách hành xử bất nhất đến bất bình thường của ông. Sau khi bị nhắc rằng phương pháp điều hành cuộc tranh luận về Việt Bắc lúc ban đầu (như một cuộc tranh luận thực sự) là không thể chấp nhận được, Xuân Diệu không hề thấy cắn rứt khi ngay lập tức đổi hướng và biến cuộc tranh luận thành một trò quảng cáo tập thể cho Tố Hữu. Như để chứng tỏ rằng mình đã học được bài học về tự do trao đổi ý kiến ở Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, một tinh thần trao đổi mà ông đã khuyến khích trong những tuần đầu của cuộc tranh luận về Việt Bắc, ông lại biện minh giúp chế độ về tính chính đáng của quyết định tịch thu tập Giai Phẩm Mùa Xuân 1956 vào tháng Hai năm 1957 bằng việc dịch bài diễn văn của nhà lãnh đạo văn hóa Liên Xô Nikolai Fadeyev. Tính bất nhất cũng được thể hiện trong sự khác biệt giữa một đằng là tuyên bố khẳng định như đinh đóng cột về quan điểm chính thống của đảng, và một đằng là thái độ nín thở chờ thời trước những xáo trộn trong thời kỳ Nhân văn – Giai phẩm. Trong suốt năm tháng liền, từ ngày 17 tháng Năm đến tận ngày mồng 9 tháng Mười một năm 1956, một trong những nhà văn bút chiến lão luyện nhất của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa im hơi lặng tiếng trước mọi vấn đề thú vị đang được bàn cãi sôi nổi trên báo chí. Ngoài ra, những nỗ lực hậu trường của Xuân Diệu nhằm dùng ảnh hưởng cá nhân trong đảng để vận động cho tác phẩm của mình -  tập thơ cách mạng Ngôi Sao không thể coi là hành động của một người “đã trút bỏ gánh nặng của chủ nghĩa cá nhân”. Cũng tương tự như vậy là nỗ lực tái bản tập Thơ Thơcủa ông vào đầu năm 1957 với mục đích cải thiện thu nhập, dù trước đó ông đã nhiều lần tự chỉ trích nặng nề những sáng tác cũ của mình.[11]
Xuân Diệu là một trong những người chủ chốt trong công tác cổ động cho phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa, nhưng việc tuân thủ của bản thân ông đối với những nguyên tắc ông đang tham gia truyền bá thì rất thất thường – theo cách nói nhẹ nhất. Xem xét những bài ông đóng góp cho báo Văn trong năm 1957 sẽ thấy Xuân Diệu dao động liên tục giữa hai thể loại. Ban đầu là bài thơ vô hại, có tính tập thể “Gió”. Khi bị phê phán là dị mọ với “toàn là những thứ lượm lặt ngoài rìa cuộc sống”, “xa rời thực tế”, xa rời quần chúng – những người anh hùng của thời đại, Xuân Diệu đáp lại bằng bài “Chuyên chính”. Bài thơ thể hiện tình yêu với đảng này xuất hiện gần như đồng thời với bài luận “Những bước đường tư tưởng của tôi” của Xuân Diệu được đăng trên Tạp Chí Văn nghệ. “Những bước đường tư tưởng của tôi” hết lời ăn năn và lên án “tính cá nhân”, “tính bi quan” trong thơ lãng mạn của mình. Nhưng, đáng ngạc nhiên là chỉ một tháng sau khi tự lên án mình và đấu tố nhà văn, nhạc sĩ Văn Cao vì biểu hiện “cá nhân chủ nghĩa bế tắc”, Xuân Diệu lại sáng tác bài thơ tình “Hỏi”.
Chính vì không có lý tưởng nên Xuân Diệu không bị cuốn hút vào chương trình nhân văn của Nhân văn – Giai phẩm hay báo Văn. Chính vì lòng trung thành với đảng của Xuân Diệu không bắt nguồn từ sự dấn thân trong sáng theo tư tưởng Mác-Lê, ông hình như không trăn trở với những câu hỏi liệu chế độ có thực hiện đúng những điều mà lý tưởng đã hứa hẹn hay không, hay liệu có thể cải tổ được chế độ không. Xét theo khía cạnh khác, mọi người có thể suy luận rằng sự thờ ơ với phong trào Nhân văn – Giai phẩm là kết quả của lòng tin thực sự vào đường lối của đảng trong suốt một thập kỷ đi theo cách mạng. Tuy nhiên, sự thực là ông không hề viết một bài nào bênh vực cho đường lối ấy trước những đòn công kích của các thành viên phong trào Nhân văn – Giai phẩm trong suốt sáu tháng cuối năm 1956 là biểu hiện chứng tỏ rằng lý tưởng, có chăng, chỉ đóng vai trò rất nhỏ bé trong các tính toán chính trị của ông. Thực ra, không có gì lạ khi thái độ mập mờ và lưỡng lự của lãnh đạo Đảng Lao động Việt Nam trong nửa cuối của năm 1956 đã làm Xuân Diệu tịt ngòi suốt năm tháng. Ông không hề có ý tưởng riêng về chủ nghĩa Mác-Lê.
Rồi sang năm 1957, khi báo Văn bị đánh, ông không hề tìm cách bênh vực cho tờ báo như những nhà văn cách mạng lớn tuổi Nguyên Hồng, Nguyễn Tuân, Tô Hoài và Tế Hanh đã làm. Câu trả lời của Xuân Diệu là bài thơ “Chuyên chính”. Như một đoạn nhật ký của Trần Dần đã ghi, Xuân Diệu nổi cáu khi Tế Hanh cố bênh vực bài thơ “Gió” trước những lời phê bình của tạp chí lý luận của đảng, tờ Học Tập (chắc Xuân Diệu sợ bị lôi cuốn vào một nhóm dám phản ứng lại lãnh đạo đảng). Ông cũng chưa bao giờ đăng một bài viết nào bày tỏ sự bất bình trước cảnh bạo lực của chiến dịch cải cách ruộng đất – dù điều đó là một mối quan tâm trọng yếu của các thành viên Nhân văn – Giai phẩm.
Như ta đã thấy trong các đoạn văn, bài văn đánh Nhân văn – Giai phẩm, nhà thơ đấu thẳng tay các thành viên của phong trào khi được yêu cầu. Một lần nữa, khả dĩ có cách giải thích khác rằng có thể sự thẳng tay của những đòn Xuân Diệu hạ thủ nhằm vào Nhân văn – Giai phẩm có nguyên nhân là sự gắn bó với đảng thông qua tư tưởng Mác-Lê, nhưng lập luận này không có cơ sở. Cách giải thích hợp lý hơn là Xuân Diệu hiểu được quyền uy tối cao của Đảng Lao động Việt Nam và sự thực là một trí thức làm phật ý lãnh đạo đảng không có chỗ đứng, thậm chí không thể tồn tại trong chế độ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đã được cấp cho một căn biệt thự Pháp và được tạo điều kiện chung sống với Huy Cận, Xuân Diệu hiểu rằng chống lại lãnh đạo đảng thì sẽ bị mất rất nhiều thứ. Một lý do nữa không thể loại trừ để giải thích những đòn đánh ác nghiệt, quá tay của Xuân Diệu dành cho Nhân văn – Giai phẩm là động cơ trả thù. Trong các ấn phẩm đầy tính kích động của phong trào Nhân văn – Giai phẩm, nhà thơ lãng mạn vĩ đại Xuân Diệu bị đem ra bêu diếu, phơi bày các bằng chứng cho rằng ông là một kẻ giả nhân giả nghĩa. Điều này chắc đã làm Xuân Diệu nhức nhối, vì đối với ông, giá trị đặc biệt của mình đối với chế độ là uy tín.
Giai đoạn từ 1954 đến 1958 có vai trò đối với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tương tự như phong trào Trăm Hoa đối với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Khi để cho tự do báo chí tái xuất hiện trong không khí phong trào hóa giải ảnh hưởng của Stalin, lãnh đạo đảng đã nhận diện được những ai trong giới trí thức bất mãn có gan thách thức quyền uy của đảng và yêu cầu cải tổ. Nói cách khác, họ nhận biết được những ai có khả năng tự phát làm lãnh đạo trong giới trí thức. Tuy nhiên, thông tin này không phải là ý định ban đầu của chủ trương mềm dẻo mà Đảng Lao động Việt Nam quyết định áp dụng với những thành viên bất mãn của giới trí thức trong năm 1956 (như đôi khi các nhà nghiên cứu đã kết luận tương tự về Mao Trạch Đông đối với phong trào Trăm Hoa). Ở Việt Nam, Đảng Lao động Việt Nam chỉ muốn thể hiện sự đồng điệu với những diễn biến tư tưởng ở Liên Xô và Trung Quốc mà thôi. Tuy nhiên, kết quả cuối cùng cũng như nhau. Những ai thò đầu ra kêu gào cải tổ trong giai đoạn cuối năm 1956 cũng bị thanh trừng khỏi giới trí thức Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đây là dấu chấm hết cho mối lo về phản ứng của giới trí thức đối với chế độ trong suốt ba thập kỷ tiếp theo.
Đối với những quan chức văn hóa cốt cán như Xuân Diệu, Huy Cận, Tố Hữu, Hoài Thanh, và Nguyễn Đình Thi, quyết định của đảng cho báo chí tư nhân tự do tái xuất trong thời gian từ tháng Tám đến tháng Chạp năm 1956 là một trải nghiệm nhức nhối. Họ được biết qua phong trào Nhân văn – Giai phẩm rằng phần lớn trong giới trí thức coi họ là những kẻ tham nhũng, kiêu ngạo và bất tài. Đối với lãnh đạo đảng, họ được một bài học rằng kiểm soát giới trí thức không có sự trợ giúp của những quan chức văn hóa cốt cán đó sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Chế độ đã phải trả giá khi đem những người này ra làm mồi cho đội ngũ trí thức trong phong trào hóa giải ảnh hưởng Stalin. Rốt cuộc, phong trào Nhân văn – Giai phẩm giúp lãnh đạo đảng và những quan chức văn hóa này hiểu ra rằng họ cần nhau đến mức nào. Sự hợp tác trên cơ sở cùng có lợi này hiện vẫn còn là động lực cơ bản của đời sống trí thức ở Việt Nam.
NguồnJournal of Vietnamese Studies, vol. 5, no.2, Summer 2010.
Bản tiếng Việt © 2010 Đông Hiến
Bản tiếng Việt © 2010 talawas

[1] Như Phong, “Góp ý kiến với các đồng chí có trách nhiệm ở báo Văn”,Nhân Dân, số 1432-1435, 9-12/2/1958.
[2] Nguyên Hồng, “Những khuyết điểm và sai lệch của tôi trong công tác tuần báo Văn”, Nhân Dân, số 1451, 3/3/1958; Tế Hanh, “Quan niệm siêu giai cấp của tôi về nhân tính và con người mới”, Nhân Dân, số 1463, 14/3/1958.
[3] N.D., “Để chuẩn bị một thời kỳ văn học, nghệ thuật phát triển tốt tươi hơn nữa”, Nhân Dân, số 1456, 9/3/1958.
[4] Xuân Diệu, “Một số vấn đề đấu tranh tư tưởng trong thơ”, Tạp Chí Văn nghệ, số 10, tháng 3/1958; “Những suy nghĩ chung quanh vấn đề chỉnh huấn” trong Những bước đường tư tưởng của tôi (Hà Nội: Văn hóa, 1959), 145-146; “Những biến hóa của chủ nghĩa cá nhân tư sản qua thơ Lê Đạt”, Tạp Chí Văn nghệ, số 13, tháng 6/1958; Xuân Diệu, “Những tư tưởng nghệ thuật của Văn Cao”, Tạp Chí Văn nghệ, số 14, tháng 7/1958.
[5] Xuân Diệu, “Những biến hóa của chủ nghĩa cá nhân tư sản qua thơ Lê Đạt”.
[6] Xuân Diệu, “Những tư tưởng nghệ thuật của Văn Cao”.
[7] Lã Xưa, “Giải Mã Nghi Án Giới Tính của ‘Ông Hoàng Thơ Tình’ Xuân Diệu”, Đời Sống và Pháp Luật.http://www.doisongphapluat.com.vn/Story.aspx?lang=vn&zoneparent=0&zone=2&ID=3833 Truy cập ngày 5/5/2010.
[8] Một vài nguồn tin gợi ý rằng họ bị đi tù vì một chuyện không liên quan đến Nhân văn – Giai phẩm. Tuy nhiên, vì hồ sơ tư pháp và công an liên quan đến vụ này chưa bao giờ được công bố, nên giả thuyết này không được kiểm chứng.
[9] Để có ý tưởng về tính ác hiểm, xem “Báo cáo tổng kết cuộc đấu tranh chống nhóm phá hoại: Nhân Văn-Giai Phẩm” của Tố Hữu, do chính Tố Hữu sưu tầm và in thành sách Bọn Nhân văn-Giai Phẩm trước tòa án dư luận (Hà Nội: Sự Thật, 1959), 22-36.
[10] Bạch Diệp sau này tái hôn và trở thành một trong những nữ đạo diễn điện ảnh nổi tiếng nhất Việt Nam.
[11] Nguyễn Huy Tưởng, Nhật ký tập 3: Nghệ sĩ và công dân (Hà Nội: Thanh niên, 2006), 282 (xem chú thích số 83).

No comments:

Post a Comment