Monday 8 October 2012

Nguyên Ngọc Vẫn trên đường xa (2)

Hôm trước đã viết mấy dòng nhân quyển sách mới ra Nguyên Ngọc Vẫn trên đường xa, có đề cập đến bài của Phạm Vĩnh Cư, thì nay đã thấy có bài đăng trên mạng, nên đưa luôn về đây cho tiộn theo dõi.
,

Mấy kỷ niệm khó quên với một chân nhân

(Trái hay Phải)-Tôi có cảm giác khi nói thế, anh nghĩ đến cả cái hành trang còn cần được bổ sung nhiều của mình, và điều khiến tôi thêm mến phục anh là trong những năm sau đấy, anh đã tự trang bị cho mình ngày càng nhiều kiến thức mới, nhận thức mới.
                                           
Lần đầu tiên tôi gặp anh Nguyên Ngọc vào mùa đông cuối năm 1957 ở Moskva. Cùng với bốn thành viên khác trong đoàn nhà văn Việt Nam sang thăm Liên Xô anh đến với chúng tôi – một trăm thiếu nhi Việt Nam có hạnh phúc được sống và học tập ở trung tâm của thành trì cách mạng thế giới và hòa bình thế giới.
Hồi ấy tôi đã mười lăm tuổi, đã thông thạo tiếng Nga và đang mê say với những “Evgeni Onegin”, “Một nhân vật anh hùng của thời đại chúng ta”, “Những linh hồn chết”, “Chiến tranh và hòa bình”…
Theo dõi thời sự văn học trong nước, tôi không thể không để ý đến tiểu thuyết “Đất nước đứng lên” của nhà văn trẻ Nguyên Ngọc đang được dư luận chúng khẩu đồng từ khen ngợi. Và cuốn sách ấy cùng với một số tác phẩm mới đang gây tiếng vang trong nước đã sớm đến tay chúng tôi.
Tôi nhớ ấn tượng đầu tiên sau khi đọc xong nó (cái này sẽ lặp lại nhiều lần trong cuộc đời độc giả của tôi): tốt đấy (nhất là hành văn) nhưng còn xa mới được như tôi chờ đợi. Có cái gì đó giản đơn, lạc quan đến nhẹ dạ, suy luận một chiều thẳng tuột, khác quá đi với những trải nghiệm về cuộc sống chưa phong phú nhưng đã sắc nét nơi tôi.
Cái cuộc sống ấy, trải ra trước mắt tôi ngay ở cái thiên đường xã hội chủ nghĩa này – chao ôi, sao nó phức tạp, rối rắm, đầy mâu thuẫn nội tại, những con người xung quanh và bản thân tôi sao bất toàn khó sửa chữa đến tệ hại.
Từ đó mà tôi thấy thật khó tin tưởng sắt đá vào tương lai một màu xán lạn của dân tộc, nhân loại và từng cá nhân con người mà sách báo và nhà trường dạy chúng tôi tin. Đọc văn học nước ngoài, cổ điển cũng như hiện đại, tôi thấy các tác giả lớn đều củng cố và khơi sâu trong tôi một nhận thức như vậy về nhân thế.
Thành thử tôi không thể thỏa mãn với “Đất nước đứng lên” cũng như “Vùng mỏ”, “Con trâu”, “Truyện anh Lục”… cũng dạy bảo tôi rằng chỉ cần đánh đuổi giặc ngoại xâm và xóa bỏ các giai cấp bóc lột tức thì nước Việt Nam ta sẽ trở nên hùng mạnh, người Việt ta sẽ được ấm no, hạnh phúc đời đời.

Thế nhưng tôi còn quá trẻ để tự tin, khi mà những người lớn khẳng định toàn những điều trái ngược. Vì vậy, điều làm tôi ngạc nhiên sung sướng trong buổi gặp gỡ các nhà văn nước ta là khi đến lượt anh Nguyên Ngọc phát biểu, anh đứng dậy nói như tâm sự với chúng tôi: “Cuốn sách của tôi được giải thưởng cao và được khen nhiều đấy, nhưng bây giờ đọc lại, tôi thấy không thỏa mãn tí nào, thấy nó sao non yếu, quá nhiều khuyết điểm khiến tôi phải xấu hổ”.
Tôi nhớ rất rõ lời anh một phần còn vì nó tương phản lẫm liệt với những lời cũng rất thành thật của một nhà thơ nữ phát biểu trước anh. Cổ lệ chúng tôi làm thơ (mà ở cái tuổi học trò ấy thì chỉ có ai lười mới không viết thơ), chị khoe: mười bảy tuổi đời chị đã đoạt giải thưởng của Tự lực văn đoàn.
Giá chị biết được chúng tôi không thỏa mãn thế nào với thơ của không một tác giả tiền chiến lừng danh hơn chị nhiều!
Sau cuộc tiếp xúc đầu tiên ấy, tôi rất lâu không gặp lại anh Nguyên Ngọc. Được biết, vừa bắt đầu chiến tranh chống Mỹ, anh tình nguyện vào Nam và từ chiến trường gửi ra những sáng tác mới cũng gây tiếng vang: “Rừng xà nu”, “Đất Quảng”, “Đường chúng ta đi”… dưới bút danh Nguyễn Trung Thành.
Tôi đọc tất cả và lại thấy tất cả đều tốt, phục vụ kịp thời nhiệm vụ quan trọng nhất của cả nước lúc ấy – chiến thắng thù trong giặc ngoài.
Tất nhiên, ở những trang viết của Nguyễn Trung Thành, tôi không thấy có gì khác Nguyên Ngọc trước 1960, nhưng với sự tự nghiêm khắc, không bằng lòng với mình, ngay khi được mọi người xung quanh tán thưởng nơi anh, tôi hy vọng sau chiến tranh anh sẽ viết nên những tác phẩm có giá trị dài lâu, thể hiện tất cả độ sắc chiều sâu của con mắt nghệ sĩ nhìn thấu thực tại trong nước và trên toàn cầu, vừa sống trong vừa sống trên dòng chảy của thời gian – điều mà không phải một mình tôi mong mỏi ở văn học nước nhà.
Rồi chúng ta cũng phải có chứ, bên cạnh những “Suối thép” với “Thép đã tôi thế đấy” và “Đội cận vệ thanh niên”, cả những “Sông Đông êm đềm”, “Vaxili Terkin”, “Vì sự nghiệp chính nghĩa” của Việt Nam!...
Cuối những năm 70, sau mười lăm năm phải làm những công việc không liên quan gì đến ngành nghề tôi được đào tạo và yêu thích, tôi được chuyển công tác về Trường viết văn Nguyễn Du vừa mới mở khóa chuyên tu đầu tiên và ở đấy tôi đã gặp lại anh Nguyên Ngọc, hồi ấy đã là Phó Tổng thư ký và Bí thư đảng đoàn Hội nhà văn.
Anh đến nói chuyện không phải một buổi ở trường chúng tôi. Về kiến văn thì hồi ấy anh còn thua kém nhiều đồng nghiệp giữ những vị trí chủ chốt trong làng văn nước ta. Nhưng tôi thấy tâm đắc với định nghĩa của anh về sứ mệnh của Trường chúng tôi: những người viết đến đây để chuẩn bị hành trang cho những chuyến đi xa.
Tôi có cảm giác khi nói thế, anh nghĩ đến cả cái hành trang còn cần được bổ sung nhiều của mình, và điều khiến tôi thêm mến phục anh là trong những năm sau đấy, anh đã tự trang bị cho mình ngày càng nhiều kiến thức mới, nhận thức mới, anh tỏ ra là người có năng lực tự học rất cao và luôn luôn lớn lên, trong khi nhiều đồng nghiệp của anh, xưa kia hào nhoáng hơn anh nhiều, thì dừng lại (phải chăng vì thỏa mãn với mình?) rồi đi xuống.
Còn nhớ, hồi ấy – còn xa mới đến thời Đổi mới – một nhà xuất bản mời tôi đến nói chuyện về tình hình văn học Xô viết. Anh Nguyên Ngọc cũng đến nghe và trong giờ giải lao khích lệ tôi.
Sau đó chỉ một tuần, một cán bộ cấp cao chuyên trách văn hóa – văn nghệ gọi tôi đến nhà và uốn nắn cho tôi những sai lệch trong nhận thức của tôi: Chekhov không thể cao hơn Gorki vì một người đi hết con đường cũ, một người mở ra con đường mới cho văn học cả thế giới, v.v… và v.v… Khi gặp lại anh Nguyên Ngọc, tôi kể cho anh về bài học vừa được nghe.
Anh gật gù: “Đấy, Cư thấy chưa, không thay đổi lãnh đạo văn hóa văn nghệ thì làm sao chúng ta có thể có được những đỉnh cao”. (Tôi không được đọc, nhưng biết anh đã chấp bút một báo cáo đề dẫn đặt lại vấn đề này, đang gây những tranh luận nội bộ khá căng thẳng). Một Nguyên Ngọc mới, không giống những gì anh đã viết, đã khẳng định, xuất hiện trước tôi.
Vài năm sau, tôi với anh có dịp sống bên nhau ba tháng ở Moskva. Anh là học viên, còn tôi là thông ngôn cho đoàn cán bộ trung cao nước ta sang bồi dưỡng, trao đổi kinh nghiệm về lãnh đạo văn hóa văn nghệ ở Học viện Khoa học xã hội trực thuộc Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Liên Xô. Anh học tập cần mẫn, chăm phát biểu, bao giờ cũng có ý.
Còn nhớ, trong một cuộc trao đổi với bạn về những vấn đề chung và riêng của hai nước anh em, anh nói: “… Vấn dề dân tộc thì ở nước chúng tôi đã được giải quyết ổn thỏa”. Một giáo sư Nga đáp trả: “Thế thì chúng tôi phải chúc mừng các đồng chí. Ở nước chúng tôi thì còn xa…”.
Anh ngừng phát biểu, ngồi xuống vẻ mặt đăm chiêu. Một hôm khác, tâm sự với mấy học viên trong đoàn của ta, có cả tôi ở đấy, anh nói: “Bây giờ mình hiểu rồi: lãnh đạo văn hóa văn nghệ là biết làm việc với các văn nghệ sĩ”. Tôi bạo gan chen vào: “Thế nhưng họ có yêu cầu các anh làm việc với họ không? Và có cần làm việc ấy không?”. Anh lặng người, rồi sau một lát trả lời: “Ừ, cũng phải suy nghĩ tiếp”.
Sau đó không lâu tôi gặp lại anh ở Moskva. Anh đã không còn giữ chức vị gì nữa ở Hội nhà văn – người ta đã không để cho anh đặt lại vấn đề lãnh đạo văn hóa văn nghệ.
- Từ nay mình sẽ tập trung viết.
- Đúng rồi, mọi người đều mong đợi ở anh. Có lần em nói chuyện với cụ Tuân về việc cần để lại những “chứng thư” xứng đáng về thời đại. Cụ bảo: “Mình không làm được cái đó đâu. Để những người trẻ hơn”. Vậy còn ai nữa nếu không phải lớp các anh?
Nhưng năm tháng trôi qua, không thấy anh công bố tác phẩm mới nào. Một nhà văn rất có tiếng cao tuổi hơn nói về anh:
- Ngồi vào bàn với quyết tâm viết nên kiệt tác như Nguyên Ngọc thì không bao giờ có được đâu. Cứ  viết đi, may ra sẽ làm nên kiệt tác.
Cũng có lý. Thế nhưng viết nhiều, vàng thau lẫn lộn mà lại không áy náy mời bạn đọc thưởng thức tất cả như nhà văn ấy làm thì lại càng không nên. Riêng tôi thì phục hơn những người như Gogol – im lặng mười năm để cuối cùng vứt vào lửa bản thảo vì chưa bằng lòng với nó.
Trong những năm 80 ấy, anh Nguyên Ngọc vẫn rất nhiệt tình, không ngại nói: tận tuỵ làm một việc khá bạc bẽo – phụ đạo sáng tác cho các sinh viên Trường viết văn Nguyễn Du. Cái trường ấy thật xấu số do ngay cái tên của nó.
Một nhà thơ, vào hạng nhất ở ta, sau khi giảng bài nói với chúng tôi, những cán bộ của trường: “Sao các anh lại lấy tên Nguyễn Du? Cụ ấy cho các anh được gì? Ngay cả cái mả cụ cũng chưa ai lo đây này!”
Nhưng chúng tôi chưa nản chí: khóa nào cũng cho ra trường được một vài cây bút có tài. Còn nhớ, dưới mái nhà tranh, trong bóng tối mùa đông chúng tôi đốt pháo mừng Bảo Ninh tốt nghiệp khóa 3 với phần một “Những nỗi buồn chiến tranh”.
Anh Nguyên Ngọc quý Bảo Ninh lắm và hết lòng giúp đỡ, muốn cổ lệ, giúp đỡ cho đi thật xa, nhưng người ta một lần nữa đã không cho anh làm cái anh mong muốn. Song dù thành bại thế nào, anh vẫn dành thời gian và tâm huyết cho sinh viên tất cả các khóa  của trường chúng tôi.
Có lần tôi nói với các anh chị em trong trường: “Nếu trường này còn tồn tại lâu và sẽ phong giáo sư cho các nhà văn phụ đạo sáng tác thì người đầu tiên phải phong là Nguyên Ngọc”. Nhưng Trường cũng không tồn tại được lâu và bây giờ từ nó chỉ còn lại những kỷ niệm…
Mọi người đều biết, bước vào thời Đổi mới, Nguyên Ngọc hoạt động hăng say, hiệu quả thế nào và lạc quan thế nào. Một lần, tôi nói với anh về lập trường bảo thủ cố hữu của một nhà thơ – thứ trưởng có tiếng nói  quyết định đối với số phận trường chúng tôi. Anh trả lời:
- Thì tôi mới bảo ông ấy: anh lạc hậu quá rồi!
Từ trẻ mắc tật hoài nghi và bi quan, tôi nói lại:
- Chưa chắc đâu. Không khéo họ lại thắng một lần nữa đấy.
Đáng tiếc đã xảy ra đúng như thế. Biết những người không ưa anh mừng vui vì sự không thành công lần thứ hai của anh và những ai cùng chí hướng với anh, một hôm tôi đến chơi với anh chị.
- Anh Ngọc ơi, có người nói: “Chết vì chân lý vẻ vang đấy, nhưng sống vì chân lý khó hơn”. Anh thấy có đúng không?
- Đúng quá đi chứ. Và phải chọn con đường khó hơn.
Tôi trở về nhà, yên tâm về anh. Từ “đường chúng ta đi” (mà Đổi mới cũng chỉ một trong những con đường như thế), anh đã bước lên đường rất ít người đi, và từ ấy đi kiên trì, không sờn lòng trước mọi khó khăn.
Anh Nguyên Ngọc hôm nay khác xa Nguyên Ngọc năm 1957 và cũng không giống Nguyên Ngọc những năm 1978 – 1981 và cả 1986 – 1990. Nhưng chúng ta vẫn luôn luôn nhận ra anh là anh: anh luôn luôn trung thành (cái bút danh thời chiến anh chọn không sai!) với chính mình, với những nhận thức mới, xác tín mới mà anh đã đi tới.
Với tôi, Anh là một Chân Nhân.

Hà Nội, 18 tháng Sáu 2012
  • PGS Phạm Vĩnh Cư

No comments:

Post a Comment